Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn: Khôi phục các trò chơi, môn thể thao cổ truyền dân tộc

Thứ bảy, 12/11/2022 | 12:47:12 Chiều

(HBĐT) - Tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) huyện Lạc Sơn lần thứ VII tổ chức vào tháng 7/2022, môn thể thao đánh mảng dân tộc Mường chính thức trở thành môn thi đấu. Trước đó, môn vật cổ truyền dân tộc Mường được đưa vào nội dung thi đấu từ Đại hội TDTT huyện lần thứ VI. Đây được xem là giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khôi phục các di sản văn hoá, hưởng ứng phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trên toàn địa bàn.


Vận động viên thi đấu môn vật cổ truyền dân tộc Mường tại Đại hội TDTT huyện Lạc Sơn lần thứ VII với tinh thần thượng võ.

Thường thấy trong những ngày hội đầu xuân, dịp vui của thôn xóm, bản làng, đánh mảng là trò chơi dân gian phổ biến, giàu tính nghệ thuật, có thể chơi từ 2 người hoặc đông người, chia thành 2 đội. Vào những ngày Tết, ngày cưới, sân mảng rộn rã, đông vui. Người chơi say sưa biểu diễn tài nghệ, còn người xem thì bình luận, cổ vũ sôi nổi, hào hứng. Đánh mảng cũng là môn thể thao có tác dụng rèn luyện sức khoẻ. Trong các bước của trò chơi, người chơi hầu hết phải vận động toàn thân kèm theo độ khéo léo, tinh nhạy.

Theo đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện, khi đưa vào nội dung thi đấu của đại hội, đánh mảng dân tộc Mường đã nhận được sự ủng hộ, tham gia, cổ vũ của đông đảo nhân dân. Môn đánh mảng nữ theo thể thức thi đấu đồng đội, có 8 nội dung tổ chức trong 1 hiệp (1 bàn), gồm: ném đồng mảng; lăn đồng mảng; ngồi bắn đồng mảng; bước đồng mảng (cho đồng mảng lên mu bàn chân thuận và bước thực hiện từ trên vạch giới hạn vào đồng mảng đối phương); xàng xẩy (cho đồng mảng lên mu bàn chân thuận và nhảy cò đến vạch giới hạn); xủi đất (đặt đồng mảng trước mũi bàn chân thuận và dùng lực của bàn chân đưa đồng mảng đến qua vạch giới hạn); nhảy (kẹp đồng mảng vào kẽ ngón chân cái và nhảy đúng vào đồng mảng đối phương); điều hoà (cho đồng mảng lên chân thuận và đứng tại vạch đích thực hiện động tác đưa đồng mảng về phía đối phương).

Đối với môn vật cổ truyền dân tộc Mường xưa nay được xem là trò chơi dân gian có tính thượng võ, đối kháng tiêu hao thể lực cao. Người dân tộc Mường trên địa bàn còn gọi môn thể thao này là đè khà. Vật cổ truyền có các bước: chuẩn bị (còn gọi là bắt boóc), đôi bên đối thủ bước tới giáp mặt, cằm áp vào vai đối thủ, lưng thẳng, ngực cọ ghì sát vào nhau, hai tay đưa ra ôm bắt sau lưng đối thủ theo nguyên tắc "tay trong, tay ngoài”. Hai tay ôm xuôi ức tay đặt dí vào phần đai lưng đối thủ, tay nọ bắt chắc vào cổ tay kia. Yêu cầu bắt boóc lưng phải thẳng tự nhiên, không được lên gồng, hai bàn chân kề áp song song với chân đối thủ cũng theo nguyên tắc chân ngoài, chân trong. Nếu 1 trong 2 vận động viên (VĐV) chưa thực hiện bước này, trọng tài chính chưa cho thi đấu; bước thi đấu: khi trọng tài chính thổi còi bắt đầu trận đấu, hai VĐV siết mạnh cánh tay vào sườn hông đối thủ, chân đưa ra bằng vai, toàn thân xuống tấn, gồng mình, lên cơ lưng, đầu dí áp đẩy má đối phương và làm các thao tác kẹp, ghì để quật ngã đối thủ. Ai bị ngã xuống đất, thậm chí có thể bị quật buông xuống đất là thua. Tại giải vật cổ truyền dân tộc Mường trong khuôn khổ Đại hội TDTT huyện lần thứ VII diễn ra nội dung thi đấu cá nhân nam, gồm 3 hạng cân, thể thức thi đấu tranh giải cá nhân. Luật thi đấu áp dụng các quy định của môn vật dân tộc Mường, mỗi hiệp thi đấu tối đa 4 phút, thi đấu 3 hiệp, thắng 2 hiệp là thắng cuộc. VĐV nào chậm quá 5 phút so với thời gian trong lịch thi đấu bị coi là bỏ cuộc và phải chấp nhận thua với tỉ số 0 - 2.

Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện, đánh mảng dân tộc Mường và vật dân tộc Mường đều là những môn thể thao độc đáo, đặc sắc. Những môn chơi trong ngày đầu xuân và những dịp vui không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, cổ vũ người dân trong lao động sản xuất mà còn là cơ hội để rèn luyện sức khoẻ, lưu truyền văn hoá truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc.

Bùi Minh