Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Kinh tế tập thể huyện Mai Châu phục hồi sau dịch Covid-19

Thứ ba, 5/7/2022 | 9:34:31 Sáng

(HBĐT) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Mai Châu. Nhiều HTX phải ngừng sản xuất do hàng hóa tồn kho, thiếu vốn sản xuất… Một số HTX phải xin giải thể, ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại, tư vấn, tuyên truyền thành lập mới; chính sách tín dụng tạo đòn bẩy quan trọng để khu vực KTTT huyện Mai Châu phục hồi.


Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu (Mai Châu) đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển KTTT huyện phối hợp Liên minh HTX tỉnh, sở, ngành và các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX năm 2012; nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến. Tập trung ưu tiên bố trí, sử dụng nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án ở địa phương để phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ HTX, tổ hợp tác (THT) phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

HTX dịch vụ nông lâm Mai Châu (xã Mai Hạ) được thành lập năm 2019, với 7 thành viên. Ngành nghề kinh doanh chính là thu mua sắn, ngô. Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động giao thương không thông suốt khiến sắn thu mua của HTX bị tồn kho, lợi nhuận thấp, HTX hoạt động cầm chừng. Bà Ngần Thị Thoa, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: HTX sản xuất, kinh doanh chủ yếu là nông sản nên hạn sử dụng rất ngắn. Khi dịch bệnh xảy ra, sản phẩm rất dễ hỏng hoặc giảm chất lượng, thiệt hại về kinh tế. Hiện, HTX còn sắn tồn kho từ 2 năm trước. Từ tháng 3/2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động của HTX trở về trạng thái bình thường. HTX được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hỗ  trợ vay 250 triệu đồng. Từ nguồn     vốn vay mở rộng sản xuất, khắc phục một phần khó khăn về nguồn vốn. Hiện tại, HTX thực hiện liên kết với 135 hộ vệ tinh tại xã Tân Thành, Cun Pheo để trồng sắn, ngô sinh khối. HTX cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX đạt trên 500 triệu đồng. 

Các HTX tiểu thủ công nghiệp bám sát thị trường, tổ chức các mối quan hệ bạn hàng, liên kết với doanh nghiệp và một số hộ kinh doanh. Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu cho biết: Từ tháng 3 đến nay, HTX tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, HTX thường xuyên khảo sát yêu cầu của các đối tác lâu năm, đặc biệt là đối tác tại Pháp để cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh là quà tặng thổ cẩm và quần áo thổ cẩm. Sản phẩm của HTX ký hợp đồng tiêu thụ thường xuyên sang thị trường Pháp và một số nước khác. 

Hai HTX vận tải và dịch vụ du lịch của huyện đã hoạt động sôi động trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch khi tới bản Lác và một số điểm lân cận như: Nà Phòn, thị trấn Mai Châu, Tòng Đậu, Mai Hạ.

Theo đánh giá của BCĐ phát triển KTTT huyện: 6 tháng đầu năm, chất lượng hoạt động của THT, HTX được cải thiện, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 29 THT với 368 thành viên. Doanh thu bình quân 1 THT đạt 415 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 197 triệu đồng. Một số THT hoạt động trong lĩnh lực nông, lâm nghiệp quản lý chặt chẽ từ vốn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tiền đề để các THT phát triển dần lên HTX. Toàn huyện có 31 HTX với 431 thành viên, thành lập mới 1 HTX, không có HTX giải thể. Các HTX giải quyết việc làm cho gần 500 lao động địa phương. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 2.610 triệu đồng; lãi bình quân 1 HTX là 1.680 triệu đồng; thu nhập người lao động thường xuyên đạt 4,6 triệu đồng/tháng.

Thu Thủy