Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Tiểu thương chợ Mai Châu bắt kịp xu hướng hiện đại để kinh doanh

Thứ năm, 14/3/2024 | 9:24:23 Sáng

Những năm gần đây, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Mai Châu đã chủ động thích ứng, thay đổi tư duy kinh doanh, hướng đến cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.


 Bà Lò Thị Huệ, chủ quầy bán hàng hoa quả tại chợ Mai Châu hướng dẫn khách hàng quét mã QR Code để thanh toán.

Chợ trung tâm thị trấn Mai Châu là nơi giao thương hàng hóa và đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của từng địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và hoạt động thương mại điện tử đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ truyền thống. Nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại hoặc mua trực tuyến thay vì đến chợ. Trước thực tế đó, các tiểu thương tại chợ truyền thống đã từng bước thay đổi, đa dạng hóa cách thức phục vụ, mẫu mã sản phẩm để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Bà Lò Thị Huệ, chủ quầy bán hàng hoa quả tại chợ Mai Châu cho biết: Để giữ chân và thu hút khách hàng, cùng với chú trọng chất lượng sản phẩm, tôi đã chủ động điều chỉnh cách thức bán hàng, cung cấp nhiều dịch vụ hơn như: giao hàng tận nơi, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, tôi nhập đa dạng mẫu mã, với giá từ bình dân đến cao cấp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, trung bình mỗi ngày tôi bán ra được trên 30 sản phẩm.

Không chỉ trên địa bàn thị trấn, tại khu vực nông thôn nơi chợ truyền thống vẫn đóng vai trò là kênh mua sắm, trao đổi hàng hóa chủ yếu của người dân, các tiểu thương đã nhanh chóng bắt nhịp và có thay đổi nhất định trong hoạt động kinh doanh. 

Chị Hà Thị Mai, xóm Củm, xã Vạn Mai cho biết: Trước đây, khi mua bán tại chợ tôi đều sử dụng tiền mặt để thanh toán nên đôi khi khá bất tiện. Tuy nhiên hiện nay, chủ sạp hàng tại các chợ, từ hàng bán rau đến quần áo, giày dẹp, đồ gia dụng… đều có tài khoản ngân hàng hoặc mã QR giúp quá trình thanh toán thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng cung cấp các dịch vụ mua bán theo nhu cầu nên tôi rất hài lòng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Châu có 7 chợ trung tâm ở các xã: Vạn Mai, Bao La, Xăm Khòe, Pà Cò, Thành Sơn và thị trấn Mai Châu với khoảng trên 1.000 tiểu thương. Với các yếu tố như: sự chủ động của các tiểu thương trong việc bắt kịp xu thế kinh doanh hiện đại, đa dạng dịch vụ và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; nhiều chợ truyền thống được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng; việc mua bán tại chợ ngày một thuận tiện từ đi lại cho đến các hình thức thanh toán… đã giúp hoạt động giao thương tại các chợ trung tâm thời gian qua diễn ra sôi động. 

Đồng chí Lò Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai cho biết: Chợ Co Lương được họp vào thứ Bảy hàng tuần. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút gần 100 tiểu thương đến kinh doanh. Theo khảo sát, hiện nay có trên 80% tiểu thương có tài khoản ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, một số tiểu thương còn cung cấp các dịch vụ giao hàng tận nơi; nhận sơ chế đồ thực phẩm tươi sống… Nhờ đó, hoạt động mua bán tại chợ phát triển ổn định, đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.

Hiện nay, đa phần tiểu thương tại các chợ trung tâm đã có sự thay đổi trong cách thức kinh doanh để phù hợp với xu thế hiện đại. Nhờ đó góp phần giúp các chợ trên địa bàn huyện duy trì hoạt động hiệu quả. Có thể thấy, với sự đổi thay về cách thức phục vụ, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén bắt kịp xu hướng tiêu dùng của các tiểu thương đã góp phần tạo ra sức sống mới cho các chợ trung tâm và các chợ buôn bán nhỏ lẻ. Qua đó nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ.


Hoàng Anh  
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)