Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc

Độc đáo Tết của người Tày ở huyện Đà Bắc

Chủ nhật, 4/2/2024 | 8:19:17 Sáng

Xã Tân Pheo (Đà Bắc) là nơi sinh sống lâu đời của người dân các dân tộc: Tày, Dao, Mường… Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, phong tục độc đáo trong ngày Tết. Đối với người dân tộc Tày, giờ đây tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày nơi đây vẫn được gìn giữ và lưu truyền.


Ông Hà Văn Phời (ngồi trong), xã Tân Pheo (Đà Bắc) - người am hiểu và giữ gìn nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày trên địa bàn.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Phời, người am hiểu nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày. Ông Phời chia sẻ: Tết Nguyên đán là lễ quan trọng và lớn nhất trong năm của dân tộc Tày. Tục đón Tết của người Tày gồm 2 công đoạn: "hết kháu mờ” tức là tục làm cơm mới và "hết sệt - hết chiệng” tức là tục đón Tết Nguyên đán, được chuẩn bị trước từ tháng Chạp. Tết cơm mới và Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng Giêng. Lễ cúng thường có 2 lễ, cúng tổ tiên và cúng thổ công, những vị thần cai quản, trông giữ nơi gia đình sinh sống với mong muốn tổ tiên và các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình. 

Vào sáng mùng 1 Tết, người Tày có tục lệ cả nhà dậy sớm ra vườn hái lộc, chọn những lá cây xanh, tươi tốt nhất hái về nhà với niềm tin mang lại nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới. Nếu đi xông nhà anh em, hàng xóm phải mặc đồ màu trắng để đem lại may mắn, xua đuổi vận đen.

Tục làm cơm mới của người Tày được lưu giữ đến nay. Vào tháng 10 là tháng thu hoạch lúa (gặt lúa mới), gia đình vui mừng vì sự cực khổ tháng giáp hạt sẽ qua đi, bù đắp bằng công sức của  mình đó là gặt lúa mới, phải dùng cơm mới cúng tổ tiên, đêm đến gia đình phải thịt gà, làm cơm mới để cúng lễ.

Theo truyền thuyết, thời xưa có gia đình nọ chỉ còn một gà mái đang nuôi con. Đến Tết cơm mới, gia đình quyết định thịt con gà mái. Con gà cũng biết nói, nửa đêm nàng dâu trong nhà nghe tiếng gà mẹ trong chuồng dặn các con rằng, các con ở lại mạnh khoẻ, cùng nhau đi bới con giun con dế để kiếm ăn, còn mẹ sáng mai nhà chủ sẽ thịt cúng cơm mới. Nàng dâu nghe tiếng gà dặn con, thương hại liền thưa lại với ông bà ngày mai cúng cơm mới không nên thịt gà, nên hoãn lại tháng Chạp, tháng Giêng mới làm lễ cơm mới. Thay vì thịt gà thì đi kiếm con chim, con chuột, cá suối, bắp chuối cúng tổ tiên cũng được, bởi nếu cúng cơm mới mà thịt con gà mẹ thì thương hại các con nó còn nhỏ. Nghe vậy gia đình đành hoãn lại Tết cơm mới của tháng 10 âm lịch, không làm lễ cơm mới nữa. Song lại nghĩ thấy có lỗi với tổ tiên, tổ tiên không được ăn cơm mới, vì lẽ đó khi lúa sắp chín còn non hạt, người Tày thường cho con cháu trong gia đình đi gặt, đem luộc chín sau đó phơi khô, chờ đến tháng Chạp, tháng Giêng mới làm lễ cơm mới. Phải làm cơm mới bằng lúa non tháng 10, còn bánh chưng lấy gạo vụ nào gói cũng được, thức ăn thường là thịt chuột, thịt chim, cá... 

Đồng chí Hà Văn Lễ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo cho biết: Tân Pheo là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với 74% dân số. Người Tày có nhiều nét văn hóa đặc trưng như có tiếng nói, chữ viết riêng, phong tục tập quán trong ngày lễ, Tết, đám cưới, đám tang, trang phục và nhà ở của người Tày cũng được làm theo phong cách riêng. Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người Tày ở Tân Pheo vẫn giữ được phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền.


Hoàng Dương