Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc

Trăn trở Đồng Chum

Thứ tư, 3/4/2024 | 4:31:59 Sáng

Cách trung tâm huyện 62 km, xã Đồng Chum (Đà Bắc) có 6 xóm, 813 hộ, 3.680 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện đường giao thông còn khó khăn, mùa mưa lũ hay xảy ra sạt lở, đất sản xuất hạn chế, nông sản thường bị tư thương ép giá… là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.


Đường giao thông xóm Hà, xã Đồng Chum (Đà Bắc) gập ghềnh, lầy lội mỗi khi trời mưa.

Đồng chí Lường Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, nỗ lực giúp người dân từng bước cải thiện đời sống. Tuy vậy, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, xuất phát điểm thấp, địa hình đồi núi, đất canh tác ít, đường giao thông nhiều chỗ còn trắc trở, nhận thức của người dân hạn chế, việc chuyển đổi cây trồng chưa hiệu quả, thiếu vốn đầu tư sản xuất nên khó nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chủ yếu của xã với tổng diện tích lúa 60 ha, ngô 240 ha, sắn 200 ha, đàn trâu, bò trên 1.800 con, lợn trên 2.000 con, gia cầm 14.600 con, dê 380 con. Tuy nhiên, do trên địa bàn không có doanh nghiệp, xưởng sản xuất, lực lượng lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa nên việc học tập, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Mùa mưa bão xã cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôn còn thấp. Có vụ nhiều hộ trắng tay do lũ quét, mưa đá vùi dập toàn bộ nông sản trên đồng ruộng. 

Hà là xóm đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã 10 km, đường giao thông độc đạo, nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đoạn lầy lội vào mùa mưa. Ông Quách Công Dăm, Trưởng xóm Hà cho biết: Xóm có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 80%. Bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp, đánh bắt cá, làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Đất sản xuất manh mún, cả xóm có 87 hộ nhưng chỉ có 3.000 - 4.000m2 đất canh tác. Tính ra mỗi hộ chưa đến 50m2 đất trồng cấy, còn lại chủ yếu là rừng phòng hộ, đặc dụng. Do kinh phí hạn chế, đường về xóm vẫn chưa được đầu tư, đi lại rất khó khăn. Đặc biệt sau những trận mưa lớn, đường sạt lở, toàn xóm bị cô lập. Bà con chỉ mong được đầu tư xây dựng đường giao thông từ xóm đến trung tâm xã để cuộc sống bớt khó khăn.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; khai thác tiềm năng, thế mạnh, xã đã triển khai trồng cây gai xanh và một số cây dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Một số hộ đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi lợn bản địa nhưng hiện đầu ra còn khó khăn.

Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, xã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tuyến giao thông. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã bê tông hóa được đường liên xóm Ca Lông - Chanh, đường đi khu sản xuất xóm Nhạp, đường liên xã Đồng Chum - Mường Chiềng, xây hệ thống tiêu lũ xóm Nà Lốc…

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, xã triển khai các kênh vốn vay, ủy thác, giải quyết việc làm; tổ chức các lớp tập huấn về KHKT, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tuyên truyền, nhắc nhở người dân xây dựng chuồng trại, không thả rông gia súc, hạn chế thiệt hại cho đàn vật nuôi. Hiện, tổng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội của xã đạt gần 51 tỷ đồng với 799 hộ vay; vốn vay từ Ngân hàng NN&PTNT đạt gần 48 tỷ đồng. Tuy vậy, xã còn 44 hộ rất khó khăn về nhà ở, dột nát, không đảm bảo an toàn. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 49,81%, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm. Xã mới đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hành trình về đích còn nhiều thách thức.

Trước những trăn trở của bà con, chính quyền xã Đồng Chum mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nguồn lực cho xã, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, nhất là tuyến đường vào xóm Hà hoặc có hướng hỗ trợ khác giúp người dân an cư; đồng thời quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm lợn bản địa, dược liệu để góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo cho người dân.


Hoàng Anh