Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc

Xây dựng các điểm đến thu hút du khách trên vùng hồ Đà Bắc

Thứ ba, 7/5/2024 | 7:46:06 Sáng

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hoà Bình, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện vùng cao Đà Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch, điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (DLCĐ).


Dự án khu du lịch Robinson tiêu chuẩn 5 sao tại xã Tiền Phong, do Công ty CP du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư đang được triển khai là điểm nhấn trong hệ thống các điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái vùng hồ Đà Bắc. 


Du lịch cộng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) mang đến cho du khách trong nước, quốc tế những trải nghiệm sắc thái văn hóa đa dạng, hấp dẫn. 

Trước đây, nguồn sinh kế chủ yếu của người dân xã Tiền Phong là đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, môi trường… Điều kiện giao thương, đi lại khó khăn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ, giá cả thị trường, đầu ra sản phẩm bấp bênh, không ổn định. Từ khi triển khai hoạt động du lịch, nhận thức, tư duy sản xuất, kinh doanh của bà con có nhiều đổi mới. Thay vì chỉ trông chờ vào nghề nuôi cá lồng bè, một số hộ mở hướng kinh doanh homestay phục vụ khách tham quan du lịch. Các điểm đến DLCĐ ven hồ cũng hình thành từ đó.

Gia đình bà Đinh Thị Yệu là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình homestay ở bản Đá Bia (nay là bản Đức Phong), xã Tiền Phong. Từ một bản làng xa xôi, vắng vẻ, Đá Bia trở thành điểm đến được nhiều du khách quan tâm, yêu mến nhờ vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị văn hoá đặc sắc được người dân lưu giữ.

Bà Đinh Thị Yệu chia sẻ: Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hỗ trợ của tổ chức AOP và chính quyền địa phương, hoạt động du lịch từng bước phát triển, ngày càng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Xóm có 7 hộ kinh doanh loại hình homestay. Ngoài liên kết đón khách nghỉ, các hộ còn triển khai dịch vụ ăn uống, thuê xe đạp, thuyền khám phá  các điểm đến, kết hợp các hộ xung quanh cung cấp những sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn (chèo thuyền kayak, đan rọ tôm, tham quan mô hình nuôi cá lồng bè…) đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Hiện nay, ngoài điểm Đá Bia, tại các xã vùng hồ của huyện có nhiều điểm DLCĐ thu hút khách du lịch, gồm bản Mó Hém (nay là xóm Đoàn Kết) - xã Tiền Phong, bản Sưng - xã Cao Sơn, xóm Ké - xã Hiền Lương. Trong đó, bản Sưng là bản người Dao Tiền duy nhất trên địa bàn tỉnh làm du lịch. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản còn bảo tồn được nét văn hóa độc đáo về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, chữ viết, nghề truyền thống, trang phục, ẩm thực... Đây là một trong những điểm đến đặc biệt thu hút khách quốc tế tham quan, khám phá.

Chị Bàn Thị Lan, chủ homestay Xuân Lan bộc bạch Từ khi làm du lịch, các hộ năng động tiếp thu cái mới; từng bước học hỏi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đón khách. Nhiều người trong bản cùng tham gia làm nghề, thành lập các tổ, nhóm hướng dẫn viên, văn nghệ, ẩm thực, làng nghề... Nhờ đó góp phần bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên, môi trường, giá trị văn hóa truyền thống; các sản phẩm do bà con làm ra được giới thiệu, tiêu thụ tốt hơn qua đường du lịch, thu nhập của người dân có sự cải thiện.     

Không chỉ mạnh về DLCĐ, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tại các xã vùng hồ Đà Bắc được chú trọng khai thác. Ngoài KDL sinh thái đảo Dừa có từ nhiều năm trước, một số nhà đầu tư đã triển khai dự án KDL sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Các điểm đến đã đi vào hoạt động, gồm: Mơ Retreat, Xoan Village ở xóm Mơ, xã Hiền Lương; Vayang Retreat ở xã Vầy Nưa; Maida Lodge ở xã Tiền Phong. Riêng dự án KDL thiên nhiên Robinson tiêu chuẩn 5 sao trên địa bàn xã Tiền Phong đã tiến hành xây dựng một số hạng mục quan trọng. Nhà đầu tư là Công ty CP du lịch Hòa Bình đang nỗ lực để dự án có thể bước đầu hoạt động đón khách trong thời gian tới.     

Theo đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, tự nhiên và văn hoá là nguồn tài nguyên quý giá được huyện tập trung khai thác, phát huy nhằm hình thành điểm đến du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã vùng hồ. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương, trọng tâm là du lịch lòng hồ, huyện thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc... đến các khu, điểm. Với việc khơi dậy tiềm năng vốn có, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ du khách ngày càng chuyên nghiệp, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch, các khu, điểm đến thuộc vùng hồ Đà Bắc được đông đảo du khách trong nước, quốc tế lựa chọn trên hành trình khám phá KDL hồ Hòa Bình.


Bùi Minh