Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Thứ ba, 20/5/2025 | 3:41:48 Chiều
Sáng 20/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Quách Tất Liêm, Nguyễn Văn Toàn, Đinh Công Sứ...
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Tổng số vốn năm 2025 được Quốc hội quyết nghị là 829.365,421 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương 825.922,269 tỷ đồng. Đến ngày 30/4, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: Vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) 342.881,257 tỷ đồng, đạt 97,9%; vốn ngân sách địa phương (NSĐP) 475.087,005 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa thực hiện phân bổ là 7.954,008 tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương.
Về giải ngân vốn NSTƯ đạt khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn NSĐP khoảng 81.818,9 tỷ đồng, đạt 17,20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%); giải ngân 4.707,3 tỷ đồng vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
So với kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4, tiến độ giải ngân bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong 4 tháng năm 2025, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Xây dựng (32,50%), Phú Thọ (44,39%)... Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Phước...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và thể hiện quyết tâm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt phương châm 6 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả). Nâng cao ý thức chấp hành, thái độ với công việc và kết quả, hiệu quả làm việc. Triển khai thực hiện các dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa”, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "thi công 3 ca, 4 kíp”, "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, "chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn và tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất đắp nền. Rà soát các quy định liên quan đến quy hoạch hiện nay, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Về triển khai dự án trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải quyết liệt chỉ đạo, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, giao thông trọng điểm...
Hải Đăng