Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Chè cổ thụ trăm tuổi ở xã Pà Cò

Thứ bảy, 9/3/2024 | 9:59:35 Sáng

Ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, ngoài 82 ha chè shan tuyết được trồng từ vài chục năm trước còn có loại chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi sống rải rác tại các xóm, nhưng nhiều nhất là ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Pà Cò. Chè ở đây có hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng và hiện nay, những cây chè còn là điểm check-in thu hút khách du lịch.


Người dân xóm Pà Cò, xã Pà Cò (Mai Châu) thu hoạch chè shan tuyết cổ thụ.

Pà Cò khí hậu mát mẻ, mùa Đông thường xuyên có mây mù phủ kín, lạnh giá, xung quanh còn nhiều rừng nên độ ẩm cao, phù hợp với cây chè, vì vậy chất lượng chè rất đặc biệt. Từ trung tâm xã, theo con đường dốc dài chừng 4 km, chúng tôi lên tới vùng chè cổ thụ của xóm Pà Háng Lớn, được bao bọc xung quanh là rừng. Theo người dân trong bản, hầu hết những cây chè cổ thụ ở xóm đều trên 100 năm tuổi.

Ông Mùa A Sềnh, 93 tuổi ở xóm Pà Háng Lớn chia sẻ: Cây chè mọc tự nhiên không ai biết rõ có từ bao giờ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây chè gắn bó với bà con trong bản, hái về làm trà, nhưng chưa thành hàng hóa. Trước đây, bà con thường hái búp chè tươi về sao lên uống hàng ngày và tặng khách quý. Trà là thức uống gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Mông hàng trăm năm nay và nghề sao chè cũng ra đời từ đó.

Chè cổ thụ xã Pà Cò là giống chè shan tuyết, tôm có phấn trắng, sau khi sao lên có màu phấn trắng tự nhiên như tuyết phủ bên ngoài. Nước chè màu vàng trong, nhấp một ngụm cảm nhận vị đắng nhẹ, thơm; khi uống vị ngọt đượm lại lâu.

Anh Sùng A Páo, xóm Pà Cò Lớn cho biết: Trước đây, cây chè mọc hoang không ai chăm sóc, có cây cao đến 6 m. Sau này nhận thấy chè cổ thụ được nhiều người ưa chuộng. Cây chè được chăm sóc theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học nhằm giữ hương vị tự nhiên vốn có. Bà con chỉ cắt tỉa cành, đốn cây hạ thấp độ cao để cây ra tán rộng cho nhiều búp và dễ thu hái; phát dọn cỏ xung quanh gốc và dùng chính cỏ đã phát đó để rải cho mục làm phân hữu cơ cho cây.

Những cây chè cổ thụ có thân cao to, vỏ cây rêu mốc, nhiều địa y bám vào, cành vươn xa phải bắc thang trèo mới hái được những búp non bỏ vào gùi. Công việc thu hái trên những cây chè cổ thụ tốn nhiều sức. Một năm mỗi cây cho hái 3 lứa, mỗi lứa được từ 10 - 13 kg chè tươi, sao lên được tầm 6 - 7 kg chè khô.

Anh Phàng A Trưởng, xóm Pà Cò cho biết: Gia đình tôi hiện có 4 cây chè cổ thụ tuổi thọ gần và trên 100 tuổi, là một trong những hộ có nhiều cây chè cổ thụ nhất xóm. Những cây chè này là của ông cha để lại nên chúng tôi rất giữ gìn, bảo vệ và thu hái cẩn thận. Tuy cây chè cho năng suất thấp nhưng chất lượng trà rất thơm ngon, mang lại giá trị kinh tế cao với giá bán hiện nay dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Nhận thấy giá trị của cây chè cổ thụ, Hội Nông dân xã đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây chè cho bà con. Chè cổ thụ ở Pà Cò được chăm sóc ngày càng xanh tốt và phát triển. Hiện tại trên địa bàn xã còn gần 100 cây, mỗi năm thu được trên 2 tạ sản phẩm từ cây chè, qua đó nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Trước đây, cây chè cổ thụ sống rải rác ở các xóm nhưng hiện nay chỉ còn nhiều ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Pà Cò với tổng diện tích khoảng 6 ha. Việc giữ gìn và khai thác diện tích chè cổ thụ, xã đã khuyến khích, vận động nhân dân chăm sóc theo hướng hữu cơ, định hướng tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị.

Cây chè cổ thụ ở xã Pà Cò được bà con chung tay giữ gìn, chăm sóc, khai thác như món quà quý thiên nhiên ban tặng. Với định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, chè cổ thụ Pà Cò sẽ ngày càng nâng cao giá trị, mang thêm nguồn thu nhập cho bà con.

Thu Hường

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)