(HBĐT) - Những năm trước đây, ông Đinh Văn Tiên ở xóm Giằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) từng nuôi giống lợn địa phương nhưng quy mô nhỏ lẻ chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Kể từ năm 2014, nhận thức về chăn nuôi theo hướng hàng hóa dần thay đổi, ông mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đến nay, gia trại của gia đình ông đã nuôi 18 con lợn bản địa, trong đó có 3 lợn nái, 1 lợn đực giống và 14 con nuôi thương phẩm. Từ mô hình đã mang lại thu nhập vài chục triệu đồng/năm.

Hộ chăn nuôi xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) chăn nuôi lợn bản địa có sự quản lý giúp kiểm soát dịch bệnh.

 xóm Chu, xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình) có mô hình chăn nuôi lợn bản địa của ông Trần Viết Ngân cũng đáng học tập và nhân rộng. Bắt tay vào xây dựng, phát triển kinh tế trang trại từ hàng chục năm nay, ông Ngân tận dụng lợi thế đồi rừng, khoanh nuôi khu vực chuồng trại và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có để chăn nuôi theo hướng thả rông nhưng có sự quản lý. Với nguồn thu đa dạng từ kinh tế trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình ông Ngân có mức thu nhập bình quân trên, dưới 300 triệu đồng.

Ngoài 2 mô hình kể trên, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục hộ chăn nuôi lợn bản địa, hàng trăm hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ nhờ đó thoát nghèo, kinh tế khấm khá như trường hợp ông Đinh Công Nảy ở xóm Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc), ông Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc)… Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Trưởng phòng Chăn nuôi, cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong điều kiện nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch ngày càng cao, chăn nuôi lợn bản địa là hình thức phát triển kinh tế hàng hóa quan trọng góp phần cải thiện thu nhập của nông hộ, tạo nguồn thực phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng. Đây là giống lợn nội được đồng bào dân tộc Mường, Dao tỉnh ta chăn nuôi từ lâu đời với phương thức nuôi thả rông phổ biến. Giống lợn có đặc điểm lông xù, dày, tai nhỏ, chân nhỏ, mõm dài, thon gọn, khả năng tăng trọng, sinh sản thấp, khối lượng cơ thể nhỏ, thời gian nuôi kéo dài, ăn tạp, chịu được kham khổ, chống chịu thời tiết thay đổi bất thường, chất lượng thịt thơm ngon, hấp dẫn, dễ chế biến...  

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đàn lợn bản địa toàn tỉnh hiện có khoảng trên 30.000 con, tập trung ở các xã vùng cao: Cao Sơn, Đoàn Kết, Toàn Sơn, Mường Chiềng, Tân Minh (Đà Bắc); Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), Phú Vinh, Ngòi Hoa, Phú Cường, Ngổ Luông (Tân Lạc); Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, Miền Đồi, Quý Hòa (Lạc Sơn). Trong đó, huyện Đà Bắc chiếm 50% tổng đàn của tỉnh. Có một thực tế là lợn bản địa đang báo động về chất lượng giống cận huyết, đồng huyết do lợn tự phối giống lẫn nhau trong cùng một bầy đàn. Số lượng lợn bản địa thuần giảm nghiêm trọng và nguy cơ bị mất giống do sự lai tạp giao thoa với các giống lợn khác. Dịch bệnh đe dọa do phương thức nuôi lạc hậu không có sự kiểm soát.  

Để tạo chuyển biến, thay đổi phương thức nuôi từ thả rông sang chăn nuôi có sự quản lý, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi đang được thúc đẩy. Mặc khác, các nhà khoa học của tổ chức JICA - Nhật Bản, Viện Chăn nuôi cùng vào cuộc. Trong các năm 2015 - 2016, Dự án “Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa của tỉnh Hòa Bình nói riêng, của Việt Nam nói chung và phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững bảo vệ đa dạng sinh học” đã được triển khai. Tại huyện Đà Bắc, Dự án đã thử nghiệm và trình diễn nâng cao hiệu quả chăn nuôi, lựa chọn 14 hộ tham gia tại 2 xóm Giằng, Tằm - xã Cao Sơn để có những định hướng, tác động can thiệp. Bên cạnh mục đích bảo tồn góp phần tạo đa dạng sinh học, Dự án còn giúp các địa phương trong tỉnh khai thác có hiệu quả cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho thị trường, tiến tới quảng bá, phát triển thương hiệu.  

                                                                  Bùi Minh

 

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục