(HBĐT) - Giữa bối cảnh giá thịt lợn lao dốc, người nuôi lợn lao đao vì lỗ nặng thì các hộ nuôi cá lồng ở xã Thung Nai (Cao Phong) vẫn sống khỏe bởi người dân nơi đây từng bước xây dựng được thương hiệu cá sạch với sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giá thành luôn cao hơn cá lồng nuôi tại các khu vực khác.

 

Các hộ dân xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) đầu tư, mở rộng nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà cho hiệu quả kinh tế cao. 

Cùng cán bộ UBND xã Thung Nai, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Ngọc Khánh (xóm Mới). Anh Khánh cho biết: Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ, gia đình tôi đã nuôi 4 lồng cá. Thức ăn chủ yếu là cá, cỏ, rau rừng… do đó, cá chắc thịt, có vị thơm, được thị trường ưa chuộng. Trước kia kinh tế gia đình tôi chỉ trông vào  trồng sắn, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Từ khi nuôi cá lồng, hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Tranh thủ nguồn thức ăn sẵn có, mỗi lồng có thể cho thu lãi khoảng 8 triệu đồng/năm.  

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thung Nai, toàn xã hiện có 139 lồng cá của người dân và hơn 400 lồng cá của các doanh nghiệp. Đồng chí Bùi Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thung Nai kinh tế còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người mới  đạt 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, diện tích canh tác ít. Trước thực tế đó, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tìm tòi, tận dụng các thế mạnh tại chỗ để phát triển kinh tế. Cụ thể như các xóm: Chiềng, Tiện, Bu… tận dụng diện tích đất ruộng, ven chân đồi, sườn đồi để sản xuất rau màu, trồng cây ăn quả có múi. Riêng các xóm Mới, Nai… có diện tích mặt nước lòng hồ thì tập trung nuôi cá lồng. Các loại cá được bà con nuôi chủ yếu là trắm, lăng, rô phi đơn tính, trê… Do bà con không có nhiều vốn để đầu tư nên chúng tôi vận động người dân tận dụng thức ăn sẵn có như cám gạo, rau, cỏ tự nhiên. Mục tiêu đặt ra là xây dựng thương hiệu “cá sạch Thung Nai” với chất lượng thịt thơm ngon. Hiệu quả của nuôi cá lồng cao hơn hẳn so với trồng lúa, trồng sắn. Do đó, thời gian gần đây, số lượng lồng cá trên địa bàn xã tăng nhanh.

Đặc biệt, Thung Nai còn có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng, đó là đầu ra cho sản phẩm được giải quyết ngay tại chỗ. Du lịch lòng hồ nói chung, đền thác Bờ nói riêng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Cá nướng sông Đà từ lâu đã là đặc sản đặc trưng của lòng hồ được đông đảo du khách ưa chuộng, thưởng thức ngay tại chỗ hoặc mua về. Do đó, cá Thung Nai thường xuyên trong tình trạng “cung không đủ cầu” và giá bán cao hơn so với vùng lân cận.  

Nghề nuôi cá lồng đã trở thành hướng đi hiệu quả, phù hợp để người dân Thung Nai từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều hộ dân mở rộng quy mô nuôi cá…

Song song với tuyên truyền, vận động người dân nuôi cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất cấm, giữ vững thương hiệu “cá sạch Thung Nai”, chính quyền địa phương cũng có nhiều trăn trở về việc hỗ trợ nghề nuôi cá lồng phát triển. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Theo quyết định của UBND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng, toàn xã Thung Nai có 92 lồng đăng ký được hỗ trợ. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay tiền đầu tư lồng đạt chuẩn để nuôi cá. Tuy nhiên, đến nay chưa một hộ dân nào được nhận tiền hỗ trợ. Bà con đang nóng lòng mong ngóng. Thực tế này rất cần được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ.

 

                                                           Dương Liễu

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục