(HBĐT) - "Ngay sau khi được tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong lĩnh vực thủy sản, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc) giảm hẳn. Không còn tình trạng hàng chục chiếc thuyền dàn hàng, ngang nhiên dùng xung điện để đánh bắt cá trái phép như trước nữa”, đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết.




CB, CS Phòng CSMT - Công an tỉnh hướng dẫn người dân xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác thủy sản.

"Giải nhiệt” tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện

Trao đổi với chúng tôi xung quanh tình trạng đánh bắt cá trái phép bằng xung điện, đồng chí Bàn Văn Hải, Trưởng Công an xã Vầy Nưa thẳng thắn: Xã Vầy Nưa là 1 trong những "điểm nóng” trên khu vực vùng lòng hồ sông Đà trong việc sử dụng xung kích điện. Từ tháng 8/2016, chúng tôi thấy đây là một trong những vấn đề rất phức tạp. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền xã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trước mắt cần tập trung giải quyết ngay. Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ chết người do sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá trái phép. Trong đó, xóm Nưa có 1 vụ, xóm Săng Trạch xảy ra 3 vụ. Ngoài ra, theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 4/2017, toàn xã còn trên 70 hộ sử dụng xung kích điện để đánh bắt thuỷ sản trái phép. Nhiều nhất là xóm Săng Trạch với 42 hộ sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá trên lòng hồ sông Đà, tiếp đến là xóm Nưa có 14 hộ, xóm Trà Ang có 9 hộ, xóm Tham 1 hộ, xóm Vầy 1 hộ, xóm Lau Bai 1 hộ, xóm Bờ 3 hộ. Đáng nói, toàn bộ dụng cụ dùng để đánh bắt cá bằng xung điện của trên 70 hộ dân nêu trên đều là loại có công suất cực lớn, trên 24 nghìn volte.

Trước thực trạng trên, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 148/KH-CAT của Ban Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa đấu tranh với các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ và các chất cấm trong đánh bắt cá trên vùng lòng hồ sông Đà, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản cho người dân tại các xóm của xã Vầy Nưa. Thượng tá Hà Đức Dũng, Phó trưởng Phòng CSMT cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, vừa qua Phòng CSMT phối hợp với Chi cục Thuỷ sản tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT trong lĩnh vực thuỷ sản kết hợp với vận động nhân dân tự nguyện, tự giác giao nộp bộ xung kích điện và tổ chức cho 265 hộ dân ở các xóm Nưa, Săng Trạch và xóm Bờ, xã Vầy Nưa ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt thuỷ sản. Thông qua đó gặp gỡ, tuyên truyền cho bà con hiểu các quy định của pháp luật để người dân nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, không tham gia, không vi phạm. Chúng tôi muốn đưa đến cho bà con thông điệp về việc giữ gìn, khai thác thuỷ sản trên lòng hồ sông Đà một cách bền vững và có trách nhiệm.

Đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết: Hiện nay, nguồn lợi thuỷ sản mỗi ngày càng cạn kiệt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân sử dụng các phương pháp đánh bắt một cách tận diệt. Nhất là cách đánh bắt bằng xung điện đã tạo nên những "thuỷ vực chết”, huỷ hoại nơi sinh sống của các loại thuỷ sản. Khi đó, các loài có hại sẽ phát sinh gây ô nhiễm môi trường..., chính vì vậy, đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện là cách đánh tận diệt. Theo số liệu thống kê, vùng lòng hồ sông Đà trước đây có 179 loại thuộc 19 họ. Hiện nay, số lượng loài còn rất ít và có loài đang ở bờ vực tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do người dân sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động và đấu tranh ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên vùng lòng hồ hiện nay là một yêu cầu cấp thiết.

Chỉ mong người dân đừng tự lấy đá đập vào chân mình

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết thêm: Sau khi được tuyên truyền, phân tích những tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung điện, phía người dân đã phần nào nhận thức việc mình làm là sai trái, vi phạm các quy định của pháp luật, trực tiếp gây ảnh hưởng tới môi trường và tính bền vững trong khai thác thuỷ sản. Vậy nên bước đầu một số hộ bỏ, không đánh bắt cá bằng xung điện nữa. Tuy nhiên, việc vận động người dân tự nguyện, tự giác giao nộp bộ xung điện còn hạn chế. Tính đến nay, chưa có hộ dân nào mang bộ xung kích điện đến giao nộp. Để xử lý triệt để vấn đề này, UBND xã đã thành lập các tổ công tác về các xóm để vận động người dân giao nộp. Thực tình, chúng tôi không muốn chỉ vì cái lợi trước mắt mà người dân tự lấy đá đập vào chân mình. Bởi nếu để tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện tái diễn một cách tràn lan thì nguồn lợi thủy sản sẽ bị suy giảm rất nhanh. Nếu năm nay còn đánh bắt được 10 thì năm sau chắc cũng chỉ được 3 thôi, vì cá chết hết, không sinh nở được. Thế rồi sang năm nữa còn có 1, dần dần sẽ tuyệt chủng, thế hệ con cháu chúng ta cũng không còn gì nữa. Hình thức đánh bắt cá bằng xung điện là hình thức đánh bắt hủy diệt. Dù con cá không chết nhưng trứng cá sẽ chết. Con nào sống cũng không sinh sản được nữa. Do vậy, tuyên truyền để bà con hiểu và giữ cho mình. Việc đánh bắt cá bằng xung điện là hình thức đánh bắt bị cấm. Chế tài Nhà nước xử lý nghiêm và phạt rất nặng trong khi đời sống của đa phần bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn nạn này cũng như để nguồn lợi thuỷ sản được bảo vệ và phát triển, theo đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc này hoàn toàn có thể được nếu người dân không sử dụng xung kích điện, thuốc độc trong khai thác thủy sản. Mỗi người dân phải tích cực tham gia vận động mọi người không sử dụng xung kích điện, thuốc nổ, thuốc độc và tăng cường thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ; không buôn bán, tàng trữ phương tiện xung kích điện, thuốc nổ, thuốc độc để khai thác thủy sản...

 

                                                                                                               

                                                                                                             M.H

* Sẽ tạm dừng hỗ trợ các dự án đầu tư đối với các hộ dân còn đánh bắt cá bằng xung điện

Chúng tôi xác định đánh bắt cá bằng xung điện là một vấn nạn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để tình trạng này. Trong đó, đối với những hộ còn sử dụng xung điện đánh bắt cá, không tự giác giao nộp, xã sẽ không đưa vào bình xét gia đình văn hóa hàng năm cũng như tạm dừng hỗ trợ các dự án đầu tư trực tiếp. Khi nào không đánh bắt cá bằng xung điện, chúng tôi mới tiếp tục xem xét để triển khai các dự án hỗ trợ.

 

                                                                                 Đinh Thế Hùng

                                                (Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Vầy Nưa, Đà Bắc)

* Xử lý thật nghiêm các đối tượng đánh bắt cá bằng xung điện

Người dân chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện của một số đối tượng trong xóm. Trong năm 2016 - 2017, xóm có 2 người chết vì đánh bắt cá bằng xung điện. Trước tình trạng đó, tôi thường xuyên tuyên truyền tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung điện nhưng mình nói thì cứ nói, người ta làm thì vẫn làm. Tôi chỉ mong cấp trên hỗ trợ chúng tôi làm quyết liệt hơn nữa, thường xuyên hơn nữa, vừa tuyên truyền, vừa có biện pháp cứng rắn, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những đối tượng cố tình vi phạm.

 

                                                                             Đinh Công Út

                                                 (Bí thư Chi bộ xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa)

 

*Xóa bỏ việc đánh bắt cá bằng xung điện để cuộc sống thanh bình trở lại

Là một người trong cuộc và trực tiếp gánh chịu hậu quả rủi ro trong việc đánh bắt cá bằng xung điện bằng chính cái chết của chồng (nạn nhân Đinh Công Niên bị chết khi đánh bắt cá bằng xung điện ngày 6/3/2017). Đó là điều chẳng ai muốn xảy ra. Từ việc của gia đình phải gánh chịu, tôi mong muốn bà con coi đây là gương để không làm việc này nữa. Người đi sau học người đi trước để bỏ hẳn việc đánh bắt cá bằng xung điện. Mọi người cũng phải góp ý với nhau để có cuộc sống thanh bình.

                                              

                                                                                         Bùi Thị Vui

                                                                      (Xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa)

*Cần phải có sự vào cuộc của người dân

Thông qua buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuỷ sản, chúng tôi mong bà con hiểu được những tác hại của việc khai thác đánh bắt cá bằng xung điện, nắm bắt được các quy định của pháp luật. Sau đợt tuyên truyền, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp khắc phục triệt để tình trạng này. Đồng thời có hướng giúp bà con có phương thức làm ăn mới, không trông chờ vào việc đánh bắt cá mà quan tâm nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi các ngành nghề khác…

 

                                                       Thượng úy Nguyễn Thành Nam

                                                  (Đội phó đội 3 - Phòng CSMT, Công an tỉnh)

Trích Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản

 

Điều 15: Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thuỷ sản:

1 - Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ việc sử dụng kích điện tại ao để thu hoạch thủy sản).

2 - Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

3 - Mức phạt đối với hành vi sử dụng công kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thuỷ sản như sau:

a) Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;

b) Phạt tiền từ 6 - 9 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 9 - 12 triệuu đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa…

4 - Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thuỷ sản.

5 - Hình thức xử phạt bổ sung:

a - Tịch thu công cụ kích điện; công cụ kích điện trên tàu cá; công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản đối với các hành vi quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 - Điều này.

b - Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thuỷ sản từ 3 - 6 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi để khai thác thuỷ sản.


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục