(HBĐT) - Thời điểm 1-1-2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ về 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá xe sẽ giảm, nhưng không nhiều như nhiều người kỳ vọng.

Giá ô tô nhập khẩu khó giảm mạnh.

Giá ô tô liệu có rẻ?
Không ít người tiêu dùng đang chờ đến thời điểm 1-1-2018 để có thể sở hữu một chiếc xe ô tô nhập khẩu với giá chỉ bằng phân nửa hiện nay. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, giá xe nhập khẩu có giảm tương đương với phần thuế nhập khẩu về 0% hay không còn phụ thuộc vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thì dù thuế nhập khẩu giảm, việc giảm giá xe chưa chắc đã trở thành hiện thực.

"Trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0% thì giá xe sẽ giảm, nhưng giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chính sách sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết nhập khẩu xem có tương ứng với sức chịu đựng của nền kinh tế, cũng như hạ tầng giao thông hay không. Do đó, không phải thuế nhập khẩu giảm là giá xe giảm tương đương ngay bằng với mức như thế”, ông Cường phân tích.

Không ít người so sánh giá xe ở Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, theo các chuyên gia, xe của các quốc gia này có giá thấp không phải vì chất lượng kém mà do mức thuế đã được giảm tối đa nhằm giúp người dân được hưởng giá xe thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của họ tương đối tốt.

Ông Cường thí dụ, khi nhìn vào ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có thể thấy, họ phát triển sớm và xác định rõ thị trường của mình cần gì và đang ở đâu, do đó ngành công nghiệp ô tô của họ phát triển. Hạ tầng giao thông của họ đáp ứng khá tốt nhu cầu nên giá xe rẻ để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân mua ô tô. Ngược lại, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông chưa có phép có một lượng xe quá lớn, cho nên các công cụ khác ngoài thuế nhập khẩu sẽ được sử dụng để kiểm soát giá xe. Giá xe sẽ giảm, nhưng không thể ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương mới đây đã phác thảo một số giải pháp để thúc đẩy công nghiệp ô tô trong nước. Cụ thể, sẽ tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô, như khuyến khích sử dụng xe nội, bảo hộ hợp lý thị trường ô tô trong nước... Bên cạnh việc dựng các hàng rào kỹ thuật là các biện pháp chống gian lận thương mại, như kiểm soát chặt việc khai báo giá tính thuế, gian lận tỷ lệ nội địa hóa, mức nội khối ASEAN nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan… Do đó, giá xe sẽ được giám sát chặt để bảo đảm không có gian lận.

Nên tập trung vào xe tải, xe buýt
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp ô tô trong nước cần làm gì khi thời điểm 1-1-2018 đang đến gần, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, những năm vừa qua, yếu tố cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu nhờ vào thuế nhập khẩu. Trong cả thời gian dài, ngành này đã nhận được đủ các ưu đãi để tạo lợi thế giữa lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Do đó, thời gian tới, khi thuế nhập khẩu về 0%, sản xuất trong nước không còn được bảo hộ, nên nếu muốn dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để quay lại bảo hộ sản xuất xe trong thì sẽ rất khó khăn.

"Thực tế, ngành công nghiệp ô tô gần 20 năm qua đã không thành công. Đây là thời kỳ có lợi thế nhất mà không thành công, thì đến thời điểm này khi mở cửa tự do cạnh tranh, khả năng thành công là vô cùng khó khăn”, ông Cường thẳng thắn chia sẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc miễn thuế nhập khẩu một số bộ phận lắp ráp xe trong nước sẽ tạo cơ hội giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước phát triển. Tuy vậy, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đều mong muốn các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước được hưởng chính sách nhằm tăng năng lực lên, nhưng những xe đang phổ biến đại trà thì doanh nghiệp trong nước không có sức mạnh để cạnh tranh. Do đó, ngành công nghiệp ô tô trong nước cần hướng vào nhóm sản phẩm mang tính đặc thù mà ta có thế mạnh như dòng xe vận tải, buýt … thì mới có thể thành công được.

                                                                                         Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục