(HBĐT) - Với vườn đồi rộng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã gặt hái được thành công khi đặt niềm tin vào giống gà bản địa - gà Lạc Thủy…


Anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã gặt hái được thành công nhờ mô hình nuôi gà Lạc Thủy.

Những năm trở lại đây, ở xã Đồng Tâm, bà con đã tập trung khôi phục và chăn nuôi giống gà bản địa. Mô hình này được nhân rộng ở khắp các thôn, xóm. Nhiều hộ tập trung chăn nuôi gà với quy mô lớn, lên tới hàng nghìn, hàng vạn con mỗi năm. Trong đó, mô hình của gia đình anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ là một điển hình. Cùng chị Phạm Thị Hoa, cán bộ KN-KL xã Đồng Tâm, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà bản địa của gia đình anh Liêm. "Đàn gà nhà anh Liêm đẹp lắm. Đây là mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy nhiều nhất nhì ở xã”, chị Hoa cho biết.

Quả đúng như vậy, dưới những tán cây vải thiều râm mát, đàn gà Lạc Thủy với màu lông mận tím đặc trưng, chân vàng, mào đỏ trông thật bắt mắt. Trước khi gắn bó với con gà Lạc Thủy, anh Liêm đã có những giai đoạn khó khăn với cây vải thiều. Sinh ra và lớn lên ở huyện Lý Nhân (Hà Nam), khi trưởng thành, anh Liêm có thời gian đi làm long nhãn ở Nông trường Sông Bôi. Sau này, khi nông trường giao khoán đất, anh đã quyết định về Đồng Đễ lập nghiệp. Trên diện tích đất đồi khoảng 2 ha, anh đầu tư trồng vải thiều. Cây vải thiều phát triển khá tốt, thế nhưng đầu ra lại khó khăn. Có những thời điểm, vợ chồng anh Liêm phải chở xe máy về tận quê tiêu thụ, với giá chỉ 3.000 đồng/kg.

Đầu những năm 2010, Đồng Tâm phát triển mạnh mô hình nuôi gà Lạc Thủy. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích vườn, đồi sang làm trang trại để nuôi gà. Giống gà Lạc Thủy với thịt thơm ngon đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, mở ra hướng phát triển đầy hứa hẹn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, anh Liêm đã đầu tư chuồng trại để nuôi gà. Trên vườn vải thiều bằng phẳng, rộng rãi, anh dùng lưới thép B40 chia thành 6 khu, làm chuồng trại và bắt đầu nuôi gà. Ngay lứa đầu tiên, anh đã nuôi 3.000 con gà, dù gặp những khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng - chống dịch bệnh cho gà nhưng anh đã thắng lợi. Lứa gà đó bán được với giá cao, anh có vốn để tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô. "Đây là giống gà bản địa, phải nuôi theo hình thức chăn thả nên cần diện tích rộng rãi. Mình vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước và qua sách báo nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn”, anh Liêm cho biết.

Theo anh Liêm, thời điểm gia đình anh nuôi nhiều nhất lên tới 1,2 vạn con gà/lứa. Còn hiện tại, anh đang nuôi 4.000 con và chỉ khoảng 10 ngày nữa là có thể xuất bán. Ngoài nuôi gà thịt, anh còn nuôi thêm 2.000 con gà mái đẻ trứng. Riêng năm ngoái, anh đã xuất bán ra thị trường khoảng 7 tấn gà, trừ chi phí đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Để chuẩn bị nuôi kế lứa gà sắp xuất bán, hiện, anh Liêm đang nuôi úm 2.000 con gà giống.

"So với những vật nuôi khác thì con gà bản địa của Lạc Thủy khá phù hợp. Gà Lạc Thủy đang từng bước có được thương hiệu trên thị trường nên gia đình sẽ tiếp tục tập trung để nuôi. Hiện nay, số hộ nuôi khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn chưa liên kết được với nhau. Để đem lại hiệu quả bền vững, chúng tôi cũng có nguyện vọng thành lập hợp tác xã để cùng giúp đỡ nhau phát triển, nâng tầm thương hiệu gà Lạc Thủy”, anh Liêm chia sẻ.

Viết Đào

 

 

 

 

 


 


Các tin khác


Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục