(HBĐT) - Năm 2015, thôn Niếng, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) là 1/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn tại đây đã từng bước "thay da, đổi thịt". Theo thống kê năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Các xưởng chế biến lâm sản tại thôn Niếng, xã Hưng Thi (Lạc Thuỷ) phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. 

Tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Hưng Thi đi thôn Niếng dài khoảng 5,8 km đã được cứng hóa đạt 100%; hệ thống cầu treo dân sinh, ngầm tràn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người dân dễ dàng di chuyển. Dọc hai bên tuyến đường là những bồn hoa, cây cảnh trồng thẳng tắp, góp phần xây dựng cảnh quan. Ông Bùi Văn Dư, Trưởng thôn Niếng phấn khởi chia sẻ: "Những năm trước đây, người dân thôn Niếng phải vất vả lắm mới có thể di chuyển tới trung tâm xã do đường sá đi lại khó khăn, địa hình cách trở. Thời tiết thuận lợi cũng phải di chuyển mất khoảng 30 - 40 phút, mưa to thì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đành tạm ngưng vì không thể vượt qua những dòng suối chảy xiết. Đời sống Nhân dân khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng, điểm trường được xây dựng đáp ứng nhu cầu dân sinh. Đến nay, 100% hộ dân đã có điện, nước hợp vệ sinh sử dụng. 133/143 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt tỷ lệ 93%”.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thôn Niếng chú trọng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở. Hiện nay, kinh tế đồi rừng là mô hình chủ lực với tổng diện tích trên 400 ha cây keo. Theo chu kỳ 5 năm, 1 ha keo thu về từ 65 - 70 triệu đồng. Một số hộ thu hoạch sau năm thứ 7 có thể đạt 90 - 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Nhân dân trên địa bàn thôn duy trì 22 ha đất trồng lúa, mở rộng 4 ha trồng màu, 4 ha cây có múi; 14 hộ đã chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh doanh dịch vụ thương mại, vận tải, TTCN…

Ông Bùi Văn Chi ở thôn Niếng cho biết: "Sau khi đường giao thông và hệ thống cầu, ngầm tràn được quan tâm xây dựng và đưa vào sử dụng, các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế được đẩy mạnh. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã phát triển vườn cây có múi và mít Thái với diện tích hơn 2 ha; đầu tư 1 xe tải để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn. Tổng thu nhập năm 2020 của gia đình đạt trên 200 triệu đồng.

Trong xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2020, Nhà nước đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhân dân trên địa bàn đã tích cực đóng góp 400 ngày công/năm, hiến 10.000m2 đất các loại để mở rộng đường giao thông. Đồng thời, tổ chức các đợt thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ, xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: "Xác định những khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH tại thôn Niếng, cấp ủy, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần giúp người dân dễ dàng đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tập trung phát triển các mô hình kinh tế chủ lực như trồng rừng sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi... Đồng thời tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, xí nghiệp thu mua lâm sản với giá thành ổn định. Duy trì việc phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách... Qua đó, nỗ lực giúp người dân thôn Niếng thoát nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Đức Anh


Các tin khác


Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục