(HBĐT) - Trên địa bàn TP Hòa Bình, ngoài các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí công đã triển khai, trong kế hoạch còn một số dự án đang và sẽ triển khai cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng, cũng như của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. 



Dự án xây dựng hệ thống chống tràn, bảo đảm an toàn cho khu vực bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) giai đoạn 2 hiện vẫn đang chờ nguồn vốn.

Tại cuộc thị sát mới đây của lãnh đạo tỉnh cùng một số sở, ngành đối với các dự án đầu tư công liên quan đến tình hình phát triển KT-XH và đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng nguy hiểm trên địa bàn TP Hòa Bình, theo đó, một số dự án được đặc biệt chú ý như: Dự án khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 15 (phường Đồng Tiến), tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh) và đoạn cầu Hòa Bình 3; dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt các khu vực phía Đông đồi Ông Tượng thuộc tổ 4, 5, 6 (phường Chăm Mát cũ), tổ 4 (phường Thái Bình) và dự án xây dựng hệ thống chống tràn, đảm bảo an toàn cho khu vực bờ trái sông Đà.

Theo báo cáo, dự án khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 15 (phường Đồng Tiến), tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh) và đoạn cầu Hoà Bình 3 có tổng mức đầu tư trên 499 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2024. Vốn của dự án được cấp 115,954 tỷ đồng, đến ngày 10/10 đã giải ngân 96 tỷ đồng, tương ứng 83% kế hoạch vốn năm 2020, năm 2021. Tổng số hộ bị ảnh hưởng 239 hộ. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hoà Bình đang lập phương án đền bù để công khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng tuyến kè dọc bờ sông Đà (đoạn từ km0 - km2+15 với chiều dài 2.015 m, điểm đầu từ km0+00, sau vị trí tiếp giáp với cửa ra của suối Can, sau vị trí nút giao quốc lộ 6 tại hạ lưu cầu Trắng đến điểm kết thúc thại km2+15 tại vị trí gần cầu Hòa Bình 3) để khắc phục sạt lở bờ sông, bảo vệ khu dân cư tổ 15 (phường Đồng Tiến), tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh) và đoạn cầu Hòa Bình 3, cùng các công trình phúc lợi công cộng dọc tuyến bờ phải sông Đà.

Đối với dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt các khu vực phía Đông đồi Ông Tượng khu vực tổ 4, 5, 6 (phường Chăm Mát cũ), tổ 4 (phường Thái Bình) có tổng mức đầu tư trên 339 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Vốn cấp cho dự án đến ngày 30/5 là 296 tỷ đồng; giải ngân vốn đến ngày 30/9 là 258,09 tỷ đồng. Phần xây lắp cơ bản hoàn thành, đang chuẩn bị thủ tục để bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Đối với khu vực tổ 4, 5, 6 (phường Chăm Mát cũ), tổ 4 (phường Thái Bình) hiện đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán.

Về dự án xây hệ thống chống tràn, đảm bảo an toàn cho khu vực bờ trái sông Đà, mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống tường chống tràn, chắn sóng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 12.800 hộ dân thuộc 3 phường: Tân Thịnh, Hữu Nghị và Thịnh Lang, cùng các công trình hạ tầng, công trình công cộng, khu trung tâm hành chính bờ trái sông Đà khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Dự án có tổng mức đầu tư trên 44 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2020. Các hạng mục đã thi công gồm: tuyến 1, dọc hai bên bờ suối Đúng; tuyến 2, dọc bờ trái sông Đà; tuyến 3, dọc tuyến đê Ngòi Dong. Đã giải ngân trên 32 tỷ đồng. Số vốn còn lại 12 tỷ đồng phải trả lại ngân sách do không đủ kinh phí thực hiện các hạng mục còn lại, nên dự án dừng thi công, chờ điều chỉnh vốn. Để thực hiện phần còn lại của dự án, theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, tỉnh đang cân đối nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với các phần dự án dự kiến tiếp tục được triển khai, theo đánh giá của cơ quan chức năng, khó khăn, vướng mắc chính trong quá trình thực hiện là công tác đền bù giải phóng mặt bằng và việc di chuyển các hộ dân.

Theo Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Bùi Quang Điệp, trước đây, việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong tình trạng cấp bách là bắt buộc, tùy tình hình địa phương để đưa người dân đến những khu vực ở mới an toàn. Tuy nhiên hiện nay, việc tái định cư để người dân đến khu vực ở mới trong tình hình bình thường, nên hạ tầng khu vực ở mới phải hơn hoặc ít nhất cũng phải bằng với khu vực nhà dân phải di dời. Liên quan đến việc triển khai các dự án, TP Hoà Bình đề xuất, kiến nghị với tỉnh bổ sung vốn để thi công các hạng mục của công trình; có phương án di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới; bố trí thêm nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh đánh giá các dự án trên địa bàn TP Hoà Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo đời sống người dân, tạo cảnh quan môi trường, phát triển KT-XH cho TP Hoà Bình nói riêng và cho tỉnh nói chung. Đối với những khó khăn, vướng mắc, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh việc đền bù giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân di chuyển khỏi những khu vực nguy cơ sạt lở…


Hồng Trung

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục