Báo cáo tình hình kết quả triển khai công tác quản lý thuế 11 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với dự toán pháp lệnh và 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.


Năm 2021, ngành thuế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II, xã Thiện Kế (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: THẾ HÙNG

Ðáng lưu ý là có nhiều khoản thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán. Trong đó, số thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, tăng 64,2% so dự toán và tăng 20% so cùng kỳ, góp phần rất quan trọng vào tổng thu. Số thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, tăng 3,8% so với dự toán và 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 900.567 tỷ đồng, tăng 2,1% so dự toán và 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều khoản thu vượt dự toán

Tổng cục Thuế cũng cho biết, có tới 14 trong số 18 khoản thu, sắc thuế bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán (đạt hơn 91%), trong đó một số khoản thu lớn như: doanh nghiệp nhà nước ước thu đạt 101,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 107,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,7%; tiền sử dụng đất ước đạt 121,5%; tiền thuê đất ước đạt 125,9%. Có tám trong số 18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu như: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 11,1%; khu vực ngoài quốc doanh ước tăng 25,8%; thuế thu nhập cá nhân ước tăng 7,6%; lệ phí trước bạ ước tăng 6,9%; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên ước tăng 14,9%... Bên cạnh đó, số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 210,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18% dự toán và 24,3% so cùng kỳ, chủ yếu do kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng tăng mạnh (ước tăng 29,4% so cùng kỳ). 

Với tám trong số 12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đã cơ bản đạt và vượt dự toán, gồm thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân thu về nhà, đất, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác và thu khác ngân sách, có thể thấy rõ, con tàu ngân sách nhà nước năm 2021 đã "cập bến” an toàn. Bộ Tài chính ước tính có 55 trong số 63 địa phương thu nội địa 11 tháng đạt tiến độ dự toán hơn 90%, trong đó có 50 địa phương thu đạt hơn 95% dự toán; tám địa phương đạt tiến độ thu thấp dưới 90% dự toán. 48 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu hơn 15%. Như thế, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhưng với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2021 đã cán đích của cả năm.

Lý giải cho nghịch lý GDP đạt thấp nhưng thu ngân sách vẫn về đích sớm, Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đây cũng là kết quả của việc giãn, giảm, miễn thuế linh hoạt, đã kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế. Ước tính đến cuối tháng 11, tổng số đơn đề nghị gia hạn là 139.190 đơn, trong đó có 119.708 doanh nghiệp và tổ chức, 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỷ đồng. Giải pháp này đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Trong các nguyên nhân cơ bản, phải đánh giá cao nỗ lực nội bộ của ngành thuế. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, nhiều sắc thuế, khoản thu được giãn, giảm, miễn, để bù lại những khoản hụt thu rất đáng kể đó, hỗ trợ đúng đối tượng được hưởng chính sách, cơ quan thuế các cấp đã chuyển đổi mạnh mẽ chất lượng công tác quản lý thuế. Ngành thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với gần 55 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra. Các cuộc thanh tra, kiểm tra này chủ yếu được thực hiện tại cơ quan thuế, vượt 32,85% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 38.698 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 300 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 792,798 tỷ đồng; giảm lỗ 2.780 tỷ đồng; giảm khấu trừ 10,61 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.560 tỷ đồng. Riêng việc thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết, đã truy thu 476,776 tỷ đồng, giảm lỗ 2.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.350 tỷ đồng. Ðồng thời thu được 24.300 tỷ đồng các khoản thuế còn nợ dây dưa, kéo dài.

Ðáng lưu ý, năm 2021, ngành thuế đã đặt trọng tâm thu sát và đúng đối tượng thu. Toàn ngành tập trung vào quản lý thu các mảng dư địa khó, như thu thuế kinh doanh qua mạng, thu qua giao dịch điện tử. Tổng cục Thuế đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống quy phạm của Luật Quản lý thuế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Mới đây nhất, ngành đã triển khai thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử tại các địa phương, góp phần thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi trong quản lý thuế.

Cơ quan thuế các cấp cũng đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước, bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công tác chống thất thu các lĩnh vực kinh doanh chuyển nhượng bất động sản; quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế, nhất là tại những địa bàn ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, những địa bàn đã mở cửa trở lại. Ðáng chú ý là ngành thuế tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, những doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực được hưởng lợi trong thời gian đại dịch (thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng...). Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu ngân sách nhà nước, nhất là trong tháng cuối năm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng lành mạnh qua đó khuyến khích, thu hút đầu tư.

Nhìn lại năm 2021, có thể thấy là một năm thành công của ngành thuế và ngành hải quan trong tiến trình tự đổi mới chính mình để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Các cơ quan thuế, hải quan đã bám sát diễn biến của dịch bệnh, của nền kinh tế cũng như bám sát tiến độ thu, đánh giá, dự báo tình hình thu, nhất là các địa phương có khả năng thực hiện dự toán thấp. Tổng cục Thuế đã triển khai công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách nói chung và giải pháp hỗ trợ các cục thuế có tỷ lệ thực hiện dự toán thu thấp trong công tác thu ngân sách. Chính vì vậy, tại các địa bàn thu bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh, do bám sát nguồn thu và chuyển hướng thu cho nên 11 tháng đầu năm, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt số ước thu ngân sách hơn 370.000 tỷ đồng so với dự toán thu là 365.000 tỷ đồng, vượt 1%. Cùng với Hà Nội, việc thành phố Hồ Chí Minh "về đích” trong công tác thu ngân sách nhà nước đã giữ vững được sức sống của nền kinh tế cũng như là chỗ dựa vững chắc cho sự điều hành nền kinh tế đất nước.

Trong những ngày còn lại của năm 2021, mặc dù đã vượt dự toán được giao, tuy nhiên ngành tài chính vẫn đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt số thu ngân sách ở mức cao nhất, tạo đà chắc chắn cho ngân sách nhà nước năm 2022, có cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, tái tạo nguồn thu. Năm 2022, dự toán thu ngân sách nhà nước được giao cho ngành tài chính là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng. Ngành thuế sẽ tiếp tục nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục