(HBĐT) - Theo đánh giá, sau nhiều năm, dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tại xã Tân Minh (Đà Bắc) do Công ty CP Phú Thịnh (Công ty Phú Thịnh) làm chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện các nội dung đầu tư đã được phê duyệt. Nguyên nhân do UBND tỉnh giao đất chồng lấn vào đất rừng của người dân. Để giải quyết vấn đề này, mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao cho công ty để làm cơ sở xác định lại hướng đầu tư dự án.


Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát thực trạng diện tích đất rừng đã giao cho Công ty CP Phú Thịnh đầu tư dự án tại xã Tân Minh (Đà Bắc).

Dự án được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 2675/QĐ-UBND, ngày 4/12/ 2008 với diện tích 9.802.957,2 m2 đất tại xã Tân Minh. Năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 931/QĐ-UBND, ngày 9/5/2019 điều chỉnh cho thuê đất giảm còn 7.792.955,6 m2. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 26/QĐ-UBND, ngày 22/3/2019. Mục tiêu của dự án là phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu và nhu cầu lâm sản khác trên diện tích được giao sau điều chỉnh. Trong đó, khoanh nuôi tái sinh rừng 2.346.995 m2; bảo vệ rừng 1.805.009 m2; trồng rừng hỗn giao 3.142.039 m2; trồng cây dược liệu 488.957 m2, vườn ươm, nhà điều hành tại xóm Cò Phày 10.000 m2. Ngày 26/8/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1821/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1381/QĐ-UBND, ngày 3/8/2015 về việc giao rừng cho Công ty Phú Thịnh đầu tư dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tại xã Tân Minh với diện tích 301,44 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất (theo Quyết định số 3042/QĐ-UBND, ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh) nằm trong tổng diện tích đất được giao. Công ty nhận bàn giao đất trên thực địa ngày 6/3/2009 và được cấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp ngày 17/6/2019). Việc triển khai dự án không phải bồi thường, hỗ trợ về đất.

Sau quá trình triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng triển khai trên diện tích 7.792.955,6 m2 được UBND tỉnh cho thuê tại xã Tân Minh, Công ty Phú Thịnh mới chỉ triển khai thực hiện được một số phần, hạng mục nhỏ. Thậm chí có khu vực còn chưa triển khai thực hiện các nội dung theo chứng nhận đầu tư. Trong đó, tại xóm Cò Phày, công ty được UBND tỉnh cho thuê 368.122,6 m2 (36,81 ha), qua kiểm tra của cơ quan chức năng, đến nay, công ty mới trồng khoảng 4,3 ha keo (trồng vào khoảng đầu năm 2021), phần diện tích còn lại là rừng tự nhiên tái sinh; tại xóm Mít, công ty được thuê 1.239.665,6 m2 đất, qua kiểm tra hiện trạng đất là rừng tự nhiên tái sinh, công ty chưa triển khai thực hiện các nội dung theo chứng nhận đầu tư; tại xóm Diều Bồ, công ty được thuê 3.286.731 m2 đất, qua kiểm tra, công ty chưa triển khai thực hiện dự án theo chứng nhận đầu tư, trên phần đất này có đất rừng tự nhiên tái sinh, đất trống, rừng trồng và một số đất lúa, đất lâm nghiệp khác do các hộ dân đang canh tác, sử dụng; tại xóm Ênh (Yên), công ty được thuê 1.063.824,6m2 đất, đa phần là rừng tự nhiên và một phần đất trồng cây nông, lâm nghiệp, đất sau khai thác do các hộ dân trong xóm và UBND xã khoanh nuôi, bảo vệ; tại xóm Tát, công ty được thuê 1.550.313 m2 đất, tại xóm Diều Lương, công ty được thuê 284.298,8 m2 đất, công ty chưa tiến hành thực hiện các nội dung đầu tư, hiện trạng đất gồm rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trống do các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ. 

Trước những vấn đề này, đồng chí Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Theo Nghị định số 02/NĐ-CP, ngày 15/1/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 672/QĐ-TTg, ngày 28/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 1454/TB-VPUBND, ngày 3/4/2017 của Văn phòng UBND tỉnh, phần diện tích đất chồng lấn giữa Công ty Phú Thịnh và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, phần diện tích đã trả chưa đúng với diện tích các hộ đã sử dụng từ trước theo Nghị định số 02/NĐ-CP khoảng 438,5 ha. Trong đó, xóm Ênh (Yên) có 10 hộ với 15 thửa; xóm Cò Phày 6 hộ với 6 thửa; xóm Diều Bồ có 19 hộ với 21 thửa; xóm Tát có 7 hộ với 8 thửa.

Liên quan đến vấn đề này, Công ty Phú Thịnh đã báo cáo và cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do một phần diện tích dự án chồng lấn vào đất rừng theo Nghị định số 02/NĐ-CP đã giao cho các hộ dân từ trước khi thực hiện dự án. Qua thời gian dài nhiều lần rà soát, hoàn thiện các thủ tục về đất, cây rừng đã tái sinh, cộng thêm các hộ dân địa phương trồng thêm rừng trên phần diện tích đã giao cho công ty. Do đó, phần diện tích được UBND tỉnh giao đã thành rừng tự nhiên tái sinh và rừng trồng. Mặt khác, UBND tỉnh giao đất cho công ty nhưng chưa giao rừng nên công ty không thực hiện được dự án. 

Trước thực tế trên, mới đây, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT (chủ trì) phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, UBND huyện Đà Bắc rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty Phú Thịnh để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng còn chồng lấn vào đất ở, đất đã giao cho các hộ theo Nghị định số 02/NĐ-CP để trả lại cho các hộ dân (với điều kiện các hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có tài liệu chứng minh); rà soát, xác định lại diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho công ty nhưng UBND huyện Đà Bắc cấp chồng cho các hộ dân theo Quyết định số 672/QĐ-TTg, để xác định rõ đất của công ty hợp pháp hay đất của các hộ dân hợp pháp. Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT, UBND huyện Đà Bắc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu đến mức xem xét kỷ luật thì xem xét, xử lý theo thẩm quyền) đối với các khuyết điểm, tồn tại trong việc tham mưu UBND tỉnh cấp đất cho Công ty Phú Thịnh nhưng chồng lấn vào đất ở, đất rừng phòng hộ, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP.  

 
Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục