(HBĐT) - Thời gian qua, trên cả nước, tâm lý lo sợ về lạm phát  đã gia cố niềm tin của không ít nhà đầu tư rằng bất động sản (BĐS) là "nơi trú ẩn” an toàn và giá trị sẽ tăng theo thời gian. Với tỉnh ta, điều này là cơ hội cho nhiều nhà đầu cơ chuyên nghiệp thi nhau thổi giá, kêu gọi người dân tỉnh ngoài đổ về Hòa Bình khiến cho thị trường BĐS tỉnh nóng lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít nhà đầu tư chợt giật mình nhận ra nhiều khả năng chính mình đã và đang "đu đỉnh”, đồng thời, âm thầm thoát hàng bằng mọi giá.  



Khu đất trên 2.000 m2, trong đó có 1.000 m2 đất thổ cư tại xã Nam Phong (Cao Phong) có giá trên 1 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, với vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và quỹ đất còn nhiều, thị trường BĐS trong tỉnh trở thành điểm thu hút nguồn vốn đầu tư. Thêm nữa, do có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là đòn bẩy khiến BĐS ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, dựa vào những lợi thế đó, giới đầu cơ đa phần từ tỉnh khác đến đã dùng các "chiêu trò” để đẩy giá BĐS trên địa bàn tỉnh lên cao, nhiều nơi giá BĐS tăng 100 - 300% chỉ vài tháng. Cá biệt có những phân khúc như đất rừng trồng cây lâu năm ở các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, đất rừng phòng hộ khu vực hồ Hòa Bình được giới đầu cơ đẩy lên trên dưới chục lần so với 1 năm trước đây. Việc giá BĐS liên tục lập đỉnh trong những năm vừa qua là điều dễ hiểu, khi mà dòng tiền quá lớn từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận đổ về. Minh chứng cụ thể về độ "nóng” thị trường BĐS của tỉnh: Chỉ hơn 1 km đường trung tâm huyện Kim Bôi chưa đầy 1 năm đã mọc lên cả chục trung tâm môi giới BĐS với các loại biển quảng cáo bắt mắt.

"Trên thực tế, có những thời điểm, hầu hết các trung tâm môi giới này chủ yếu tiếp đón dân tỉnh ngoài về tìm mua đất tại địa phương, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy người dân trong tỉnh dòm ngó đến”, một môi giới tại trung tâm huyện Kim Bôi cho hay. Theo tìm hiểu thì hiện nay, ngay tại các trung tâm môi giới BĐS trên địa bàn huyện Kim Bôi cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. 

Theo các chuyên gia về BĐS, cơn sốt đất dù ở đâu cũng có thể khiến nợ xấu tăng và làm xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội của cả khu vực. Đối với tỉnh ta, nguy cơ đổ vỡ thị trường BĐS là cận kề trong bối cảnh người có nhu cầu thực lại không đủ tiềm lực tài chính để sở hữu nhà đất, vì giá đất liên tục tăng cao. Trong khí đó, đa phần là giới đầu cơ tỉnh ngoài ngoài đến mua bán mà đại bộ phận là mua bán đất rừng, đất trang trại. Đến khi lượng cầu tỉnh ngoài rút lui, thậm chí việc bán tháo cũng là bất khả thi.

Qua khảo sát một số nơi trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện nay, mặc dù vẫn còn giao dịch ở nhiều phân khúc như đất nền, đất rừng, đất trang trại, nhưng số lượng giao dịch thành công giảm khá nhiều so với cách đây vài tháng. Nguyên nhân chủ yếu giới đầu cơ cũng phải thừa nhận là do giá BĐS trên địa bàn đã tăng quá cao so với thu nhập của phần đông người dân.

Anh Nguyễn Văn Dũng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp về lĩnh vực BĐS nhiều năm nay ở khu vực TP Hòa Bình cho biết, vài tháng trước đây có nhiều bạn bè ở Hà Nội lên Hòa Bình tham khảo tìm mua đất rừng, đất trang trại thuộc địa bàn huyện Lương Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi… Nhưng đến nay giá mỗi ha đất tăng lên quá cao, có những nơi từ 2 - 3 tỷ đồng/ha nên nhiều người quyết định không xuống tiền. Nhiều người còn cho rằng, hiện nay thay vì mua đất thì gửi ngân hàng cũng là cách hiệu quả, một vài năm tới nếu thị trường BĐS giảm về giá trị thực có thể xem xét đầu tư.   

Cũng theo anh Dũng, với nhiều nhà đầu tư, đến thời điểm này có thể rất khó để tìm ra người mua lại BĐS trong bối cảnh giá đất bị thổi lên rất cao. Khi đó, vừa bị "chôn” vốn trong thời gian dài, vừa chịu áp lực lãi vay. Đến một thời điểm nào đó thì nguy cơ họ mất khả năng trả nợ là rất cao, khoản vay của họ thành nợ xấu, ngân hàng cũng rất khó để thu hồi số tiền cho vay.

Còn theo các chuyên gia, cơn sốt đất ảo sẽ khiến giá đất tăng ảo, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, làm thổi phồng bong bóng BĐS. Khi xuất hiện cơn sốt đất ảo, dòng tiền đổ vào BĐS ngày càng lớn, bong bóng được bơm căng và đến ngưỡng nào đó có thể xảy ra đổ vỡ hoặc giảm tốc bất ngờ, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đáng lẽ ra, dòng tiền được đầu tư để sản xuất tiêu dùng, quay vòng vốn để tái sản xuất, phát triển kinh tế thì trước cơn sốt đất ảo có thể trở thành dòng tiền "bất động”.

Khi thị trường BĐS giảm mạnh, hệ lụy trước hết là tiền của người dân, doanh nghiệp đổ vào BĐS quá nhiều. Trong khi đó, tiền đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là đồng tiền động, đồng tiền đầu tư vào BĐS là đồng tiền "chết”, nó tạo ra giá trị ảo chứ không tạo ra giá trị thật, và trên hết chính nó cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Hồng Trung

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục