(HBĐT) - Sắc xuân vẫn căng tràn trên những nẻo đường nhưng nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã nô nức gọi nhau xuống đồng đầu năm. Thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu tiên của xuân mới đã tạo động lực cho bà con xuống đồng gieo cấy và trồng rau màu vụ xuân với tinh thần phấn khởi, rộn ràng, nỗ lực hoàn thành sản xuất vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất.


Nông dân xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) xuống đồng cấy lúa đầu năm. 

Là một trong những địa phương dẫn đầu trong các phong trào sản xuất nông nghiệp, ngay từ mùng 5 - 6 Tết, nông dân tại các xã, thị trấn trong huyện Lạc Thủy đã tích cực xuống đồng. Hiện, toàn huyện đã gieo xong gần 53 tấn mạ chiêm xuân, đạt 100% lượng mạ theo kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đến thời điểm này trên 1.890 ha, đạt trên 20%. Trong đó diện tích lúa đã cấy trên 1.130/1.450 ha, đạt trên 78% kế hoạch, ngô trồng 325/848 ha, đạt khoảng 38% kế hoạch, lạc gần 60 ha, đạt 16% kế hoạch, các cây trồng khác đang làm đất và triển khai trồng. Dự kiến, huyện sẽ hoàn thành cấy lúa trong tháng 2 và các cây màu khác xong trước ngày 15/3.

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Để đảm bảo tiến độ gieo trồng cây vụ xuân 2023, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từ đầu năm, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt biện pháp làm mạ, chăm sóc, phòng chống rét đậm, rét hại cho mạ, lúa đã cấy và các cây trồng đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn yêu cầu đội ngũ cán bộ chuyên môn theo dõi sát dự báo thời tiết để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở bà con triển khai các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đồng thời đảm bảo cung ứng nước tưới phục vụ diện tích gieo trồng theo đúng khung thời vụ.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, tại huyện Lương Sơn, khí thế sản xuất nông nghiệp đầu xuân mới trở nên sôi động với tiếng máy cày, tiếng cười nói của nông dân. Nhanh tay cuốc đất, be bờ để dẫn nước vào ruộng phục vụ đổ ải, ông Hoàng Văn Thịnh, xóm Rậm, xã Cư Yên cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình dự kiến gieo cấy khoảng 3 sào lúa. Những năm gần đây, cơ giới hoá được đưa vào sử dụng giúp người dân làm đất đỡ vất vả. Gia đình đã đổ ải xong và huy động anh em, họ hàng tập trung cấy lúa; dự kiến 1 - 2 ngày là cấy hết diện tích”.

Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm 2023, toàn huyện Lương Sơn có diện tích gieo trồng 4.134 ha, trong đó diện tích lúa 1.900 ha, cây màu các loại 1.624 ha, cây hàng năm khác 610 ha. Đến nay, diện tích làm đất đạt trên 78% kế hoạch, diện tích lúa đã cấy đạt 30%, trồng cây màu được 12,5% kế hoạch, chủ yếu là ngô và rau đậu các loại. Căn cứ kế hoạch sản xuất, những ngày qua, các địa phương trong huyện tăng cường thông tin về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư. Các đơn vị cung cấp nước phối hợp với các xã, thị trấn điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí. Hiện mực nước tại các hồ chứa, công trình thuỷ lợi thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên cơ bản đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2023.

Theo kế hoạch vụ chiêm xuân 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 62,55 nghìn ha; phấn đấu tăng diện tích trồng mía lên 7,3 nghìn ha; diện tích cây ăn quả có múi cho thu hoạch đạt trên 7.500 ha... Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Nhìn chung, các địa phương đều tích cực, chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, giống và phân bón đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nông dân trên tinh thần cấy lúa trước trong tháng 2, gieo trồng rau, đậu trước ngày 15/3. Bên cạnh đó, năm nay nhuận hai tháng 2 âm lịch, vì vậy, các địa phương cần chủ động phối hợp chỉ đạo sản xuất, tuân thủ lịch gieo cấy theo khung thời vụ, sẵn sàng các phương án để thích ứng với biến đổi khí hậu khi có tình huống xảy ra để đảm bảo sản lượng và năng suất các loại cây trồng khi thu hoạch.

Mang theo không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân, nhiều nông dân hăng hái ra đồng với hy vọng về một năm mới thời tiết hiền hòa, lao động, sản xuất thuận lợi, năng suất bội thu. Tính đến ngày 31/1, toàn tỉnh làm đất lúa khoảng 13,2 nghìn ha, đạt 84% kế hoạch; gieo mạ 660 tấn, đạt 100% kế hoạch; diện tích lúa cấy khoảng 3,5 nghìn ha, đạt 22% kế hoạch.

Thu Hằng


Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục