Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện rà soát, thống kê các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (BLXD) trên toàn tỉnh.


Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp (DN) kinh doanh BLXD, với 178 cửa hàng và 633 cột bơm. Tuy nhiên, mới có 46 cửa hàng xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đạt 25%.

Để đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh và BLXD, Cục Thuế tỉnh ban hành Công văn số 5803/CTHBI-TTKT1, ngày 14/12/2023 về việc thực hiện quy định HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, gửi thông tin hướng dẫn tới các DN kinh doanh BLXD trên địa bàn, đôn đốc triển khai thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng. Cùng với đó, Cục Thuế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tới người nộp thuế. Đồng thời, tổ chức các cuộc trao đổi và làm việc với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, các DN cung cấp giải pháp HĐĐT để chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các giải pháp hiệu quả giúp DN triển khai thành công.

Thông tin về những căn cứ, quy định phải xuất HĐĐT đối với từng lần BLXD, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Khoản 1, Điều 90, Luật Quản lý thuế quy định, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Còn tại điểm i, khoản 4, Điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Cũng theo các quy định, HĐĐT bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh, không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm c, khoản 14, Điều 10, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Trường hợp HĐĐT được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai lệch thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh, mà không phải thực hiện hủy hoặc thay thế theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 7, Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng, người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT, và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT này ngay trong ngày theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ trong BLXD, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu triển khai đến các cửa hàng BLXD phải thực hiện lập hoá đơn khi kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán cho khách hàng là cá nhân. Đồng thời, người bán phải lưu trữ đầy đủ HĐĐT, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, đơn vị sẽ phối hợp cơ quan Công an và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập HĐĐT tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm đúng quy định pháp luật, kiên quyết xử lý đối với trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cục Thuế tỉnh cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ DN trong việc thực hiện pháp luật thuế nói chung và quy định về HĐĐT nói riêng, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, DN có thể gửi thông tin đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ, hướng dẫn.


Văn Hồng Quý

(Cục Thuế tỉnh)

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục