Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đà Bắc đã ghi dấu những chiến công vang dội, trong đó có chiến tích của quân, dân xã Trung Thành bắn rơi máy bay Mỹ khi chúng ra sức đánh phá miền Bắc. Ngày nay, trong dòng chảy của hòa bình và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng, nơi đây bền bỉ dựng xây quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.


Tuyến đường Cao Sơn - Trung Thành được mở đã phá thế độc đạo, tạo động lực để xã Trung Thành (Đà Bắc) phát triển.

Trung Thành - nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

Sử sách ghi lại, từ năm 1964, do thất bại liên tiếp và nặng nề trên các chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang ném bom ra miền Bắc. Máy bay địch nhiều lần bay lượn trên vùng trời Đà Bắc, thả truyền đơn. Tính đến năm 1965, có 10 xã trong huyện trực tiếp tham gia 45 trận đánh máy bay phá hoại của đế quốc Mỹ. Mỗi xã đều có một trung đội dùng súng bộ binh bắn máy bay tầm thấp, lập các vọng gác để quan sát. Dân quân Đà Bắc đã lập được nhiều chiến công vang dội trong chiến đấu, đặc biệt là chiến công bắn rơi máy bay Mỹ RF101 của quân, dân xã Trung Thành. 

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ RF101 vào ngày 29/4/1966 là một chiến thắng đặc biệt, thể hiện tinh thần quả cảm và sáng tạo trong chiến đấu của người dân nơi đây. Vào thời điểm đó, máy bay Mỹ liên tục xâm nhập, ném bom đánh phá các khu vực miền Bắc, trong đó có huyện Đà Bắc. Trước tình hình đó, quân và dân xã Trung Thành không ngừng củng cố lực lượng, tăng cường sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ quê hương.

Với vũ khí thô sơ và chưa có nhiều kinh nghiệm bắn máy bay, quân, dân xã Trung Thành vẫn không nao núng. Các chiến sĩ đã tổ chức các buổi huấn luyện, rút kinh nghiệm, đồng thời thay đổi chiến thuật để đối phó với những chiếc máy bay địch bay cao và nhanh. Sau nhiều lần đánh trả không thành công, họ quyết định đưa trận địa lên đỉnh núi Pù Chung và Pù Thằm Nóc - những ngọn núi cao nhất trong dãy Phu Canh, nơi có thể nhìn thấy máy bay Mỹ từ xa. Dân, quân xã Trung Thành đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đánh này. Các chiến sĩ tự tay đan phên, làm mô hình máy bay, cắm lên các cây nứa để luyện ngắm bắn. Khi có cơ hội, họ sẽ căn đúng thời điểm, đồng loạt nổ súng.

Vào khoảng 13h24’ ngày 29/4/1966, ba chiếc máy bay trinh sát RF-101C của Mỹ từ Mộc Châu bay vào vùng trời Đà Bắc. Chúng bay qua ba vòng để thám thính, trước khi tiếp cận trận địa phòng không trên núi Pù Chung. Khi chiếc máy bay đầu tiên bay qua, quân, dân xã Trung Thành chỉ kịp bắn 2 phát đạn, nhưng chiếc máy bay thứ hai lại bay thấp và chậm, điều này tạo cơ hội cho các tay súng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các chiến sĩ đồng loạt nhả đạn, chiếc máy bay địch bốc cháy ngay sau khi vượt qua trận địa. Tên phi công đã kịp nhảy dù, nhưng bị dân quân và nhân dân bắt sống.

Chiến công này không chỉ là chiến thắng về quân sự, mà còn là minh chứng cho ý chí kiên cường và sự sáng tạo trong chiến đấu của người dân xã Trung Thành. Dù vũ khí trang bị thô sơ, nhưng tinh thần bất khuất, quyết tâm bảo vệ quê hương đã giúp họ tạo nên chiến tích đáng tự hào, tiếp nối truyền thống anh hùng, tiếp lửa cho các thế hệ sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng mãi truyền thống quê hương cách mạng

Mảnh đất Trung Thành hôm nay có nhiều thay đổi, đặc biệt từ khi tuyến đường từ xã Cao Sơn đi Trung Thành được mở, phá thế độc đạo của khu vực. Ông Hà Văn Hướng, xóm Sổ chia sẻ: "Sổ là xóm khó  khăn nhất xã, trước đây giao thông hết sức trắc trở. Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng,  Nhà nước, đường giao thông được mở rộng thuận lợi. Nhờ đó mà tiêu thụ nông, lâm sản thuận lợi, đời sống bớt nhiều khó khăn”. 

Những năm qua, Trung Thành chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nhiều mô hình mới, trong đó nổi bật là trồng cây gai xanh. Năm 2021, loại cây này được trồng thử nghiệm tại xã. Đến nay đã nhân rộng tại nhiều xóm khác, tổng diện tích khoảng 50 ha. Gần 5 năm trước, gia đình ông Lường Văn Dũng, xóm Trung Tằm chuyển đổi gần 3 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng gai xanh. Hướng đi này giúp gia đình ông Dũng có thu nhập ổn định. Ông Dũng chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả không cao. Từ khi chuyển sang cây gai xanh, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Gai xanh trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm”. 

Đồng chí Lường Thị Thơ, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được xã chú trọng. Năm 2024, xã đạt nhiều kết quả quan trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,75%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các cây trồng chủ lực như: ngô, sắn, dong giềng, chè shan tuyết đều vượt kế hoạch. Chăn nuôi ổn định, công tác trồng và bảo vệ rừng vượt 130%. Những kết quả này là nền tảng vững chắc để xã Trung Thành tiếp tục vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm hơn. 

Cao Viết


Các tin khác


Tỉnh Hòa Bình hoàn thành chuẩn hóa số liệu tổng kiểm kê tài sản công

Với sự vào cuộc quyết tâm và đồng bộ, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành chuẩn hóa số liệu tổng kiểm kê (TKK) tài sản công do Nhà nước đầu tư, quản lý trước ngày 30/4, sớm hơn so với kế hoạch UBND tỉnh đề ra tại Đề án TKK tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hòa Bình. Với tiến độ này, UBND tỉnh sẽ có báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2025, sớm hơn so với kế hoạch và đúng thời hạn Bộ Tài chính yêu cầu.

Tháo gỡ khó khăn dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Lạc Sơn

Trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 3 dự án trọng điểm ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, khi hoàn thành được kỳ vọng khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững. Huyện Lạc Sơn đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu khởi công các dự án theo kế hoạch.

Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hòa Bình năm 2025

Ngày 28/4/2025, đồng chí BÙI THỊ MINH, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình ký ban hành Nghị quyết số 522/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hòa Bình năm 2025. Báo Hòa Bình đăng tải những thông tin chính của Nghị quyết.

Việt Nam khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Hạ tầng nối dài, hàng hóa vươn xa và thế giới đã tìm đến Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Giấc mơ rừng FSC ở thành phố Hoà Bình

Năm 1993, chứng chỉ rừng bền vững - FSC ra đời. Gần đây, FSC trở thành điều kiện bắt buộc để đưa sản phẩm gỗ vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… Do vậy, chứng chỉ này được coi như tấm "hộ chiếu xanh” cho những thân gỗ trồng đúng cách, chăm đúng kỳ, khai thác đúng chuẩn. Với hơn 1.449 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, thành phố Hoà Bình bước vào bản đồ quản trị rừng tầm thế giới, bắt đầu từ những cánh rừng trồng nhỏ bé tại các phường, xã: Kỳ Sơn, Mông Hóa, Trung Minh, Quang Tiến...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục