Giá bán lẻ xăng trong nước ngày 20-11-2009 cao hơn giá nhập khẩu là 6.080 VNĐ/lít (bằng 39,2% so với giá bán), cao hơn 7.080 VNĐ/lít vào ngày 21-2-2010 (bằng 41,67% giá bán). Đây là bất hợp lý trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Tiếp theo Công văn 1269 ngày 27-2-2010 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ngày 5-3-2010, tại Công văn số 1433/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương như sau:

“Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát; nghiên cứu, trình sớm với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu về quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát”.

Giá xăng trong nước quá cao

Dư luận hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ về một vấn đề gây bức xúc trong dư luận gần đây, việc liên tục tăng giá xăng và giá xăng bán trong nước cao hơn nhiều so với giá xăng nhập khẩu từ Singapore.

Nội dung chỉ đạo không chỉ yêu cầu rõ về việc “thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” mà còn “nghiên cứu, trình sớm... điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu về quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát”.

Như vậy, cách đặt vấn đề trong chỉ thị của Thủ tướng bao gồm hai nội dung cần xem xét là việc điều chỉnh giá và quy định hiện hành trong kinh doanh xăng dầu.

Bảng sau đây cho thấy việc điều chỉnh liên tục giá xăng trong thời gian ngắn và giá xăng trong nước bán cao hơn giá nhập khẩu và yêu cầu của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác và cần thiết:




Như vậy, giá bán lẻ trong nước ngày 20-11-2009 cao hơn giá nhập khẩu là 6.080 VNĐ/lít (bằng 39,2% so với giá bán), cao hơn 7.080 VNĐ/lít vào ngày 21-2-2010 (bằng 41,67% giá bán).

Cần tăng cường giám sát

Điều đáng ngạc nhiên là Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính luôn ủng hộ và bảo vệ việc điều chỉnh giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cho đến nay, báo chí chưa lần nào đưa tin về việc Cục Quản lý giá đã không ủng hộ việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp.

Điển hình là ngày 25-2-2010, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông Vận tải, ông cục trưởng Cục Quản lý giá đã khẳng định “tăng giá không nằm ngoài lộ trình”, “doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá” và “chưa phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu”.

Như vậy, ý kiến này của ông cục trưởng hoàn toàn khác với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong công văn nêu trên. Người dân phải tự hỏi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước, phải bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của nền kinh tế quốc dân, không hiểu vì lý do gì đã luôn ủng hộ vô điều kiện doanh nghiệp điều chỉnh giá, ngay khi dư luận đã có ý kiến phản đối gay gắt.

Điều này liên quan đến yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ “nghiên cứu, trình sớm điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu”. Hiện nay, Petrolimex chiếm giữ trên 60% thị phần, có mạng lưới bán lẻ phát triển rộng khắp.



Giá xăng tăng nhiều giảm ít trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: N.HỮU


Như vậy, theo Luật Cạnh tranh, rõ ràng Petrolimex đang chiếm vị thế thống lĩnh thị trường xăng dầu trong cả nước. Cho phép một doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh tự điều chỉnh giá bán “theo cơ chế thị trường” thì điều cần xem xét là “cơ chế thị trường” nào trong điều kiện không thể có cạnh tranh lành mạnh, một mình Petrolimex có quyền điều chỉnh giá và các doanh nghiệp khác cũng phải điều chỉnh theo.

Trao quyền tự điều chỉnh giá trong điều kiện như vậy đã hợp lý chưa và có lợi cho ai? Chắc chắn, người hưởng lợi không phải là người tiêu dùng như thực tế đã chứng minh. Trong điều kiện thiếu công khai minh bạch, rất khó có thể biết được lỗ, lãi thực của doanh nghiệp.

Cách điều chỉnh tăng giá, lộ trình điều chỉnh giá mà ông cục trưởng Cục Quản lý giá nhắc đến trong trả lời phỏng vấn nói trên, người dân có được biết không, vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong toàn bộ quá trình này là những vấn đề cần bổ sung.

Cơ quan giám sát Nhà nước cần hoạt động như thế nào để thực sự bảo vệ được lợi ích của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận hợp lý, song không phải là lợi nhuận độc quyền và doanh nghiệp có quyền muốn nâng giá lúc nào cũng được và được ủng hộ là “đúng lộ trình”.

Trong các cơ quan Nhà nước liên quan thực hiện quản lý giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, bên cạnh vai trò nổi bật của Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính như báo chí đã phản ánh, thiết nghĩ cũng cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, nhằm giám sát hành vi kinh doanh, tránh lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để định giá, vai trò giám sát của các tổ chức quần chúng và quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan giám sát này. Cũng rất mong các ủy ban của Quốc hội, trong hoạt động giám sát của mình, quan tâm đến vấn đề nhạy cảm này.

                                                                             Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục