Ðã từ lâu, Bạc Liêu nổi tiếng "Nam Kỳ lục tỉnh" với nghề làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng lúa... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn nhiều bấp bênh, đơn lẻ, thiếu sự liên kết, nhất là khâu chế biến còn yếu kém. Tình trạng "trồng rồi chặt" diễn ra khá phổ biến. Nhận rõ thực trạng này, Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân...

 

Những thương hiệu mới

Mấy năm trở lại đây, thương hiệu tôm chao, mắm tép, mắm ruốc khô, tôm và nhiều loại cá khô Tứ Hải, do bà Trịnh Khởi Nghĩa, Giám đốc DNTN Tứ Hải (thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải, Bạc Liêu) được tiêu thụ trong nước và thị trường ngoài nước. Ðặc biệt, nhiều năm qua, người tiêu dùng Ðông - Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng, tín nhiệm sản phẩm thủy sản Tứ Hải, giúp cho doanh nghiệp này mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Với sự năng động, dám nghĩ, biết làm và làm hiệu quả cao, đầu năm 2010, bà Trịnh Khởi Nghĩa vinh dự được tỉnh chọn đi dự họp mặt lễ tuyên dương 'Nữ doanh nhân tiêu biểu' tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, tại Bạc Liêu, nói đến chả lụa Sơn Hà (giò lụa được chế biến từ thịt lợn, thịt bò) do ông Nguyễn Ngọc Sơn, 64 tuổi làm chủ, ở thành phố Bạc Liêu, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Chả lụa Sơn Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận độc quyền năm 2007. Món chả lụa Sơn Hà do gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn sản xuất không chỉ tiêu thụ khá mạnh ở Bạc Liêu và một số tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, mà nhiều Việt kiều, thậm chí cả người Khmer rất ưa thích mua làm quà gửi cho người thân ở nước ngoài...

Thương hiệu gạo Một bụi đỏ huyện Hồng Dân, được sản xuất theo quy trình VietGAT, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân là loại gạo thứ hai trong cả nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa (năm 2008). Cũng từ đó, hằng năm, UBND huyện Hồng Dân kết hợp Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Lương thực Sông Hậu bao tiêu toàn bộ sản lượng gạo Một bụi đỏ, với mức giá cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên.

Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu còn được coi là trung tâm muối. Muối Bạc Liêu ngon, có vị mặn đậm đà, rất đặc trưng hiếm nơi nào sánh bằng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Từ năm 1980 đến nay, mỗi năm tỉnh sản xuất từ 2.000 đến 3.500 ha muối, tập trung ở một số xã ven biển huyện Ðông Hải và huyện Hòa Bình, thị xã Bạc Liêu. Vụ sản xuất muối mùa khô 2009-2010, toàn tỉnh có diện tích sản xuất muối lên đến hơn 3.500 ha, đạt tổng sản lượng gần 300 nghìn tấn muối thương phẩm. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đang quan tâm đầu tư vốn, kỹ thuật giúp diêm dân sản xuất muối trắng, hạn chế sản xuất muối đen; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu muối, nâng cao giá trị và thương hiệu hạt muối Bạc Liêu...

Mới đây, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ dưới dạng du lịch của các làng nghề ở huyện Phước Long  và Hồng Dân (Bạc Liêu) đã nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý tại Hội chợ triển lãm khu vực phía nam, diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðây là mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới của tỉnh Bạc Liêu, nhưng mặt hàng này đã được Cục Công nghiệp địa phương tặng danh hiệu 'Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía nam năm 2010'. Cùng với các sản phẩm được tiêu thụ trong nước và một số nước, sản phẩm trứng Artemia của HTX Bạc Liêu - Vĩnh Châu (thị xã Bạc Liêu) đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ nhiều năm liền.

Làm gì để bảo vệ thương hiệu nông sản?

Kỹ sư Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã gần 30 năm lăn lộn, gắn bó với nông nghiệp, nông dân trong tỉnh, cho rằng: Bạc Liêu được thiên nhiên ưu đãi với đa dạng sản vật, nhất là về tôm cá, muối, lúa... Cả hai vùng sinh thái mặn, ngọt và cả nước lợ đều có những đặc sản nổi tiếng trong nước. Song, điều đáng tiếc, do địa phương còn nghèo, thiếu vốn, nên chưa có điều kiện khai thác, sử dụng đúng tầm, chưa thật sự nâng cao được giá trị, thương hiệu hàng nông sản. Nhận rõ thực trạng này, mấy năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng nâng cao giá trị, hiệu quả các mặt hàng nông sản bằng những chính sách, việc làm cụ thể, thiết thực, bước đầu phát huy hiệu quả, đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu có sự tiến bộ rõ nét...

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2005 đến nay, hằng năm, tỉnh xuất khẩu lúa, gạo, muối, tôm, cá đạt từ 90 đến 110 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 200 đến 250 triệu USD. Riêng năm 2009, tuy gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động, bất lợi cho xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 240 triệu USD. Trong đó, gạo hơn 55 nghìn tấn, hàng thủy sản hơn 23 nghìn tấn. Dự kiến trong năm 2010, sản lượng gạo, tôm, cá  và giá trị kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng khoảng 15 - 20% so với năm trước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, Bạc Liêu còn quá ít sản phẩm có thương hiệu riêng. Ðáng lưu ý, tình trạng xuất khẩu thô nguyên liệu chiếm hơn 80% sản lượng và hầu hết xuất dưới dạng ủy thác. Hằng năm, Bạc Liêu xuất khẩu sản lượng gạo, tôm, cá đông lạnh... khá lớn. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: Nông nghiệp Bạc Liêu, cụ thể lĩnh vực sản xuất lúa, gạo, tôm, cá... mới chỉ 'có tiếng' chứ chưa thật sự 'có miếng', vì sản lượng làm ra khá nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khâu yếu kém nhất và kéo dài nhiều năm nay của địa phương vẫn là việc thu hoạch, chế biến để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản. Tình trạng một số doanh nghiệp làm ăn gian dối theo kiểu 'chộp giựt' bơm chích tạp chất và tôm nguyên liệu cần sớm chấm dứt và phải bị xử lý nghiêm minh. Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm gần 120 nghìn ha, nhất là diện tích nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp đứng hàng đầu so các tỉnh khu vực ÐBSCL, với gần 15 nghìn ha. Song, hiện nay toàn tỉnh mới có hơn 10 nhà máy vừa và nhỏ chuyên chế biến thủy sản, hầu hết chưa được đầu tư chiều sâu, công nghệ chưa hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng xuất khẩu sang các nước ngày càng đòi hỏi cao...

Ðể tạo được hướng đi hiệu quả, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản ở Bạc Liêu, rất cần các giải pháp thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Tỉnh cần tiếp tục chú trọng việc liên kết 'bốn nhà': Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, để khắc phục điệp khúc hết 'trồng lại chặt' kéo dài từ nhiều năm nay. Mặt khác, bản thân mỗi doanh nghiệp và hộ nông dân cần thay đổi tư duy, cách làm, tự lực vươn lên, tìm tòi, sáng tạo cách làm ăn mới để nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản, tránh tình trạng làm ăn theo kiểu 'đánh quả lẻ, chộp giựt'. Có như vậỵ, hàng nông sản của Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung mới nâng cao giá trị, lấy được thương hiệu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao đời sống nhân dân...

 

                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục