Ảnh chỉ có tính minh hoạ.

Ảnh chỉ có tính minh hoạ.

(HBĐT) - Lợi dụng nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng cao của người dân, đã có không ít gian thương trà trộn thực phẩm giả vào thực phẩm thật hòng trục lợi. Mì chính là một trong những thực phẩm dễ bị làm giả, vấn nạn này đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, chủ yếu tại các chợ nông thôn, các điểm vùng sâu, vùng xa.

 

Hậu quả không chỉ làm giảm kết quả kinh doanh, uy tín và mức độ tin tưởng của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất chân chính mà còn làm mất đi quyền lợi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều người.

 

Chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm soát, phát hiện 19 vụ kinh doanh hành giả, nổi cộm ở mặt hàng mì chính giả nhãn hiệu, tem nhãn, bao bì Ajinomoto và Miwon các loại. Đội QLTT các huyện, thành phố đã tịch thu 189 gói mì chính, thường có trọng lượng 1kg, 400g và 100g. Điển hình là trong quý I, đội QLTT số 4 - huyện Tân Lạc kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Bùi Thị Điếc đã kinh doanh 11 gói mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 600 nghìn đồng và tịch thu toàn bộ số mì chính giả. Gần đây, đội QLTT số 6 - huyện Đà Bắc phát hiện hành vi kinh doanh mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto của ông Nguyễn Văn Trưởng – một hộ kinh doanh tại chợ Hạt, xã Yên Hòa, tịch thu 5 gói loại 1kg và 5 gói loại 200g.

 

Có một thực tế là hành vi gian lận thương mại này thường gặp ở các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà không ít người tiêu dùng còn hạn chế về nhận thức, chưa phân biệt và hiểu đầy đủ về hàng giả, hàng thật. Theo lực lượng QLTT huyện Đà Bắc, mì chính giả thường được phát hiện ở các chợ đường sông, hiếm gặp ở các chợ đường bộ do đó gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát và xử lý. Còn tại các huyện vùng cao như Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, gian thương thường đem bán hàng giả ở các chợ cách xa trung tâm huyện lỵ, địa bàn có đông người tiêu dùng là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Bùi Thị Mến ở xóm Bò, xã Lũng Vân (Tân Lạc) bức xúc: Nhiều người tiêu dùng thường chỉ ghé vội vào các sạp hàng, thấy hàng hóa phong phú, mì chính bày la liệt là mua chứ ít khi để ý, phân biệt. Vì vậy, có những trường hợp mua nhầm mì chính giả mà vẫn không hay biết. Cũng chẳng biết đã từng có bao nhiêu người tiêu dùng nông thôn chúng tôi bị gian thương “móc túi” bằng thủ đoạn, hành vi này.

 

Mì chính giả nhãn hiệu, tem nhãn, bao bì được phát hiện ở các địa phương trong tỉnh là thực trạng đáng lo ngại, khiến tệ nạn hàng giả ngày càng tăng lên. Gian thương thường dùng phương thức mua mì chính rời về đóng gói bao bì giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon. Đáng bàn hơn là mì chính mà gian thương dùng đóng gói là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tin cậy về mặt chất lượng. Chỉ xét riêng khía cạnh này cũng đủ thấy việc đảm bảo an toàn nếu sử dụng thực phẩm là không có, cũng không ai dám chắc mì chính không rõ nguồn gốc có dùng hóa chất không? Theo ông Tô Như Sơn – Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (chi cục QLTT), mì chính là thực phẩm được nhiều người tiêu dùng sử dụng hàng ngày. Nếu là hàng giả, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng khôn lường. Các vụ vi phạm thường giả cả về bao bì và trọng lượng, thậm chí gian thương còn cho cả tinh bột muối vào đó. Thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử phạt các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng.

 

Để phòng, chống hành vi gian lận thương mại, trong đó có hành vi kinh doanh mì chính giả, bên cạnh sự tích cực, chủ động vào cuộc của các lực lượng chức năng, người dân trong tỉnh, đặc biệt là người tiêu dùng khu vực nông thôn cần nâng cao ý thức đề phòng, “nói không” với thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, VSATTP. Để nhận biết hàng giả, người tiêu dùng lưu ý mì chính giả có nhãn hiệu mờ nhạt, chữ ghi trên bao bì không sắc nét, đường hàn 4 cạnh (mép) không đều, đục và nổi bọt khí, không in hoặc có in ngày tháng sản xuất. Mì chính giả có cánh không đều, gãy, nhiều bụi trắng. Về trọng lượng, nếu sản phẩm thật có trọng lượng luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì thì ở hàng giả, trọng lượng luôn thấp hơn.

 

 

                                                                                     Bùi Minh

 

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục