Cuộc chia tay của ông Henrique Calisto với bóng đá Việt Nam giúp cho chúng ta có cơ nhìn lại một cách toàn diện cả nền bóng đá.

 

VFF không vô can

Cho tới giờ phút này Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn là chỗ dựa lớn nhất của ông Calisto. Bản hợp đồng được tái ký hồi tháng 3/2010 với mức lương tăng gần gấp đôi, lên 22.000 USD/tháng là thông điệp rõ ràng, dù cuối năm 2009 là thất bại ở chung kết SEA Games. VFF chưa từng đề nghị ông phải ra đi dù trong hợp đồng có điều khoản cho phép họ làm thế khi đội tuyển thất bại với mục tiêu phải bảo vệ được ngôi vô địch Đông Nam Á ở AFF Cup 2010.

Câu nói của ông Phó Chủ tịch phụ trách tài chính ở VFF, Lê Hùng Dũng thực ra là bị báo chí trích dẫn lại thiếu chính xác từ một bài phỏng vấn gốc, và nhận định rằng “nếu U23 Việt Nam không giành được HCV SEA Games tới đây ở Indonesia cũng sẽ được coi là thất bại” của ông Dũng, suy cho cùng cũng chỉ ra đúng bản chất của cuộc chơi.

Nhưng đây không phải là chỗ dựa tuyệt đối, dù VFF không coi thất bại ở AFF Cup có một phần nguyên nhân của tổ chức này. VFF đã không thể giữ lại HLV Phan Thanh Hùng tiếp tục làm trợ lý cho ông Calisto sau ASIAD, đã không thực hiện quyền năng của một ông chủ để điều chỉnh ông Calisto ở những thời điểm quyết định - bỏ đội tuyển quốc gia để sang Quảng Châu với Olympic Việt Nam, đã không hỗ trợ giải được bài toán khúc mắc ở đội tuyển để hàng loạt cầu thủ lên tuyển rồi xin về.

Thế nên, khi VFF, không cho thấy trách nhiệm của mình sau thất bại thì ông Calisto cũng không thể tìm thấy sự chia sẻ nào, nếu cứ cho là những chỉ trích từ dư luận nhắm vào ông Calisto không phải là chuyện bị thổi phồng.

V-League không thay đổi


V-League 2011 trải qua 4 vòng đấu, giải đấu ấy có gì? Cả dàn tiền đạo của ĐTVN chỉ có Anh Đức ghi được 1 bàn cho Bình Dương. Việt Thắng, Quang Hải tịt ngòi. Công Vinh vẫn chấn thương. Cả một thế hệ cầu thủ trẻ chuẩn bị cho SEA Games hầu như không được ra sân. Cầu thủ trẻ duy nhất được truyền thông nhắc tới là Danh Ngọc vì một chuyện: VFF y án kỷ luật 18 tháng treo giò và 2,4 tỉ đồng tiền phạt vì tự phá bỏ hợp đồng. Cả nền bóng đá đang ỷ lại vào cầu thủ ngoại để đánh bóng danh hiệu tự xưng: “V-League - giải đấu hấp dẫn nhất khu vực”.

VFF đang hồ hởi với tiến trình chuyên nghiệp hóa, nhưng 4 vòng đấu trôi qua thì vòng 2 tâm điểm là bạo lực, vòng 3 đáng chú ý nhất là chuyện hai đội bóng của một ông chủ vẫn được chơi ở một giải đấu, và đến vòng 4 lại là chuyện trọng tài. 

Đi tuyển quân trong một môi trường như thế rõ ràng khó tìm thấy những cảm hứng. Một nền bóng đá như thế có thể vẫn đang sở hữu dàn cầu thủ đủ khả năng để cạnh tranh ngôi vô địch khu vực trong vài năm nữa, nhưng để chiếm thế thượng phong và tấn công ra đấu trường châu lục thì e rằng khó.

Ở V-League giờ phần nhiều là những ông bầu thích nổi chứ ít người muốn phát triển bền vững, nên ông Calisto bị mất mặt và mất một cơ hội làm ăn béo bở dù ông và con trai của mình là Tiago Calisto đã rất vất vả để đưa Peter Kenyon (cựu giám đốc điều hành của Manchester Utd và Chelsea), Jorge Mendes (siêu môi giới cầu thủ), Gil Marin (Giám đốc thể thao CLB Atletico Madrid) sang Việt Nam gặp VFF và đội bóng Hà Nội T&T, nhưng rốt cục chẳng có sự kiện trận đấu giao hữu hay học viện nào được tổ chức.

Truyền thông không phải “nghi phạm”

Hai lý do nói trên không được ông Calisto nhắc tới một cách mạnh mẽ như khi ông chỉ ra vai trò của truyền thông đã gián tiếp làm ông ra đi.  

Thực tế chúng ta đã có một sự nâng cấp đáng kể về văn hóa chấp nhận thất bại. Thua trong trận chung kết SEA Games 2009 và thua ở bán kết AFF Cup 2010, đa phần nhìn nhận nó giống như những nỗi đau nhiều hơn là thảm họa cần phải lấy HLV ra làm vật tế thần.

Có một thống kê không chính thức là số lượng báo chí ủng hộ tới mức thiên vị ông Calisto trong quãng thời gian ông làm HLV trưởng nhiều hơn số báo chí nhìn nhận các vấn đề liên quan tới ông một cách công bằng, hoặc ít nhiều có xu hướng chỉ trích. Chẳng hạn, rất ít người biết được việc hàng loạt các cầu thủ lên tuyển rồi bỏ về là vì cách dùng người của HLV Calisto và sự tin tưởng một cách tuyệt đối vào nhóm cầu thủ của đội trưởng Minh Phương, bởi báo chí chỉ tập trung phê phán các cầu thủ thiếu chuyên nghiệp.

Đó cũng có thể là do quan điểm, cũng có thể là do cách làm việc, khi người ta tin rằng khen ngợi có thể tạo dựng được quan hệ và từ đó sẽ có được những bài phỏng vấn hay và những bài báo chất lượng.

Chỉ tiếc là điều đó lại làm cho ông Calisto có một thói quen mới: Chỉ thích nghe những lời có cánh và coi những chỉ trích là thù địch (ông đã “cấm vận” một số tờ báo trong gần 3 năm dẫn dắt đội tuyển). Mà lẽ thường, khi một người chỉ thích khen thì không còn tỉnh táo, như việc ông coi đội tuyển Việt Nam thua Philippines 0-2 vẫn là điều đáng tự hào, hay những điều chưa thực sự trọn vẹn.

Đó là lối chơi châu Mỹ Latinh vẫn còn dang dở, sau một lần thành công thì đã hai giải bị bắt bài bởi các đối thủ ngang tầm hoặc dưới cơ là Malaysia và Philippines;

Đó là xây dựng một mối quan hệ với HLV ở các CLB hầu như chưa có gì bởi ngoài các HLV từng làm trợ lý cho ông, số còn lại đều cho rằng ông chưa bao giờ thiết lập đường dây nóng với họ;
Đó là tạo nên cuộc cách mạng trong phương cách tập trung đội tuyển, khi một lần nữa chúng ta lại phải trả giá cho đợt tập trung quá dài, còn ông Calisto trước kia mong muốn đội tuyển tập trung như thế giới vẫn làm đó là theo từng chu kỳ ngắn với điều kiện hệ thống giải vô địch quốc gia có thay đổi, giờ cũng chẳng phản đối gì. 

Một cách chia tay đáng tiếc


Nhưng dù sao ông Calisto vẫn cứ là HLV giỏi nhất trong số gần chục HLV ngoại từng cầm quân các đội tuyển Việt Nam. Và đáng ra, với mối lương duyên kéo dài 11 năm như thế, cuộc chia tay phải khác.  
Ông Calisto đã không từ chức ngay sau AFF Cup 2010. Ông chỉ rời Việt Nam khi có Muangthong Utd  mời sang Thái Lan làm việc cho CLB này với mức lương 30.000 USD/tháng với bản hợp đồng kéo dài 5 năm. Nghĩa là ông điềm nhiên nhận 3 tháng lương từ VFF để nghỉ ngơi ở Bồ Đào Nha và chờ đợi cho đến khi kiếm được việc khác hậu hĩnh hơn (và cũng có thể tin là tiền đền bù hợp đồng cho VFF là do CLB mới chi trả).

Thực tế này làm cho những lý giải của ông Calisto ngay cả khi được cho là đúng cũng trở nên thiếu thuyết phục và rõ ràng, đó không phải là cách những HLV chuyên nghiệp thực thụ có thể làm. 
Cách chia tay là đáng thất vọng, thì điểm đến của ông Calisto cũng chẳng thể là niềm an ủi. Muang Thong United 2 năm liên tiếp vô địch Thailand Premier League, nhưng cũng chỉ là một CLB hạng hai của châu Á, bị loại ở AFC Champions League 2011 (C1) và chỉ chơi ở AFC Cup (C2). Thailand Premier League có lượng khán giả trung bình chừng 3-4000 người/trận, trong khi ở V-League là 9-10.000 người/trận còn Liga Indonesia là 10-11.000 người/trận.

Giá như ông Calisto có thể tới một quốc gia hàng đầu ở Trung Đông, hoặc sang Australia, Hàn Quốc hay Nhật Bản - ba nền bóng đá chuyên nghiệp nhất của AFC, chúng ta mới có thể hiểu rằng con cá lớn cần phải bơi ra biển lớn. Ông cũng nói tới một vài đề nghị của Dubai, Trung Quốc trước đây, nhưng đó chỉ là thông tin một phía.

Và nếu xuất sắc trong vai trò của HLV của Muang Thong Utd, liệu sự thăng tiến của ông Calisto có vượt quá cái ngưỡng làm HLV các đội tuyển Thái Lan - vị trí mà Steve Darby, một HLV cũ ở Việt Nam cũng đạt được?

Vậy là câu chuyện của HLV Calisto với bóng đá Việt Nam một lần nữa lại không có cái kết thúc êm đẹp (sau lần phải dàn hòa với Chủ tịch Đồng Tâm Long An, Võ Quốc Thắng về ràng buộc hợp đồng). Phải chăng, đó là số phận, hay vì rằng nền bóng đá của chúng ta cũng chỉ đáng như thế?
 

Theo tờ báo của Siamsport của tập đoàn sở hữu CLB Muangthong Utd, HLV Calisto sẽ ký hợp đồng với CLB này ngày 7/3 với mức lương 30.000 USD/tháng. Hợp đồng kéo dài trong 5 năm. 

 

                                                                                  Theo TTXVN

Các tin khác


Giành tối đa suất tham dự Olympic Paris 2024

Mục tiêu của Thể thao Việt Nam đặt ra là giành từ 12 - 15 suất chính thức Olympic Paris 2024.

Cơ hội để Jannik Sinner soán ngôi số một thế giới của Djokovic

Nếu giành vị trí á quân Roland Garros, Jannik Sinner sẽ vươn lên ngôi số một thế giới của ATP, kể cả khi Novak Djokovic bảo vệ thành công chức vô địch tại Pháp.

Trên 400 vận động viên tham gia giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động

Sáng 15/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Olympic Paris 2024 Các vận động viên tăng tốc luyện tập

Thể thao Việt Nam hiện nay có 10 vận động viên (VĐV) giành suất tham dự Olympic Paris 2024 là: Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing). Các VĐV đang dồn sức tập luyện với quyết tâm cao để hy vọng có thành tích cao, song hy vọng có huy chương là không dễ dàng.

Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam giành suất dự giải châu Á

Ngày 14/5, theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 16 tay vợt của Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam đang tranh tài tại Giải Vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Malaysia. Với thành tích xuất sắc tại Giải, các tay vợt bóng bàn trẻ Việt Nam đã giành quyền tham dự Giải Vô địch trẻ châu Á 2024.

Lịch thi đấu chính thức Euro 2024

UEFA Euro 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/6 đến 15/7 tại Đức mùa hè này. Chủ nhà Đức, đương kim vô địch Italy cùng với Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bỉ là những ứng cử viên vô địch hàng đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục