(HBĐT) - Mùa thu tháng Tám, dường như là thời điểm du khách khắp mọi miền đất nước dành thời gian tổ chức những chuyến hành trình về nguồn. Trong hành trình đó, Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (1946 - 1947) tại đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Tại đây “Tờ bạc con trâu xanh”, tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời là vũ khí sắc bén trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của đất nước.

 

  Giáo viên, học sinh trường THCS Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) thăm quan, tìm hiểu tại Khu  Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Năm 2007, khu đồn điền Chi Nê, nơi đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam trở thành khu di tích lịch sử, được Bộ VH -TT&DL xếp hạng cấp quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Di tích lịch sử Nhà máy in tiền với diện tích 15,5 ha, tổng mức đầu tư trên 270 tỷ đồng. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính, dự án được khởi công xây dựng và thực hiện trong 2 giai đoạn. Đến đầu năm 2014, một số hạng mục chính của dự án đã thi công xong. Tại nhà Bảo tàng có trên 200 hiện vật, ảnh trưng bày, giới thiệu về Nhà máy in tiền, tờ bạc đầu tiên được in tại nhà máy, những kỷ vật 2 lần Bác Hồ về thăm, làm việc và giới thiệu về gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Từ khi được xếp hạng Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia, Khu di tích đã đón hàng vạn du khách đến thăm quan. Từ đầu năm 2016 đến nay, Khu Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đã đón trên 14.000 lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu.

Cùng với lời giới thiệu của hướng dẫn viên và những minh chứng từ các hiện vật trong bảo tàng, du khách đã hiểu rõ sự hình thành Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.

 

Năm 1946, cơ sở Nhà máy in tiền Tô -panh ở Hà Nội bị lộ. Để bảo vệ an toàn nhà máy và tiếp tục in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra lệnh chuyển toàn bộ máy móc nhà in lên đồn điền Chi Nê. Tại đây, gia đình ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản Việt Nam yêu nước, chủ đồn điền đã dành vị trí thích hợp, cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước, nhà kho để lắp đặt Nhà máy in tiền. Lắp đặt xong nhà máy, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 16h ngày hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Lúc đó, Nhà máy còn thô sơ nên việc in tiền rất khó khăn, phải qua nhiều cung đoạn, như: in lần lượt từng màu, số sê -ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp -xét, mệnh giá nhỏ in bằng máy sốp, ti pô (5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào). Tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò, xe ngựa chuyển lên cất giữ vào “kho bạc” tại gia đình ông Bùi Văn Xin ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa, từ đó mới cấp phát đi khắp nơi theo lệnh của Bộ Tài chính.

 

Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc và nghỉ lại. Đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền, Bác căn dặn: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân”. Sau đó, Bác đến thăm một số gia đình đồng bào Mường ở xã Cố Nghĩa và gia đình ông Bùi Văn Xin, xóm Đồng Thung, người đã nhường nhà ở làm “kho bạc” cho Chính phủ. Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” ra đời. Tháng 4/1947, Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2, khu vực đồn điền Chi Nê bị máy bay Pháp ném bom, tàn phá nghiêm trọng. Theo lệnh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuyển Nhà máy in tiền và kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.

 

Với 3 điểm di tích chính, gồm: Ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê xưa  (khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh); Xưởng in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1947); Kho để tiền, Khu Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam là điểm đến để nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ mốc son chói lọi của nền Tài chính trong lịch sử Việt Nam.

                                                                            

                                                                            Đức Phượng

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục