(HBĐT) - Đồng chí Bùi Thị Thuỷ, Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Sơn cho biết: Lạc Sơn là huyện có trên 90% dân tộc Mường và một số dân tộc anh em cùng sinh sống. Các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, âm nhạc chiêng, dân ca, mo Mường... đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hoá. Đặc biệt, đây là vùng đất có nguồn văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh… đã tạo thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.

 

Trong những năm qua, huyện Lạc Sơn luôn quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát triển văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường với những việc làm cụ thể như: sưu tầm địa chỉ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc; rà soát, quản lý chiêng Mường; sưu tầm và phục dựng lễ hội dân gian của người Mường; trùng tu các di tích lịch sử; lưu giữ tiếng nói, trang phục váy Mường, phong tục, tập quán sinh hoạt, ẩm thực, các đồ dùng, vật dụng trong sản xuất và sinh hoạt; lưu giữ mo Mường, rằng thường, hát ví...

 

Đặc biệt, nhận thức tầm quan trọng của NQT.ư 5 (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Lạc Sơn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức sưu tầm và vận động nhân dân cùng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Hiện nay, toàn huyện sưu tầm khoảng 30 địa chỉ phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc; rà soát, quản lý hơn 3.500 chiếc chiêng được lưu giữ trong nhân dân và các tổ chức trên địa bàn huyện. Sưu tầm và phục dựng các lễ hội dân gian trong dịp đầu xuân như: Lễ rước Bụt hang Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa; lễ đu Vôi, xóm Vôi, xã Liên Vũ; lễ hội mái đá làng Vành, xóm Vành, xã Yên Phú... Bên cạnh đó đã trùng tu các di tích lịch sử cách mạng Mường Khói, xã ân Nghĩa; mái đá làng Vành, xã Yên Phú; hang xóm Trại, xã  Tân Lập; hang Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa; nơi thành lập Văn phòng Tỉnh uỷ, xóm Khị, xã Nhân Nghĩa; nơi ghi dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến ở xã Thượng Cốc… Ngoài ra, 6 di tích của huyện nằm trong danh mục quản lý của UBND tỉnh được khảo sát.

 

 

Lễ hội rước bụt hang Khụ Dúng của người Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).

 

Đồng chí Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết thêm: Trong thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể mo Mường. Là huyện có mật độ phân bố mo Mường đậm đặc và có trên 50 nghệ nhân mo Mường, UBND huyện Lạc Sơn đã ban hành Kế hoạch về giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị mo Mường trên địa bàn huyện. Từ đó cùng phối hợp với Sở VH-TT&DL nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ khoa học các bộ khót của các nghệ nhân mo Mường; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn tại chỗ những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa mo Mường. Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hoạt động di sản văn hóa mo Mường. Ngoài ra, người dân các xã, thị trấn trong huyện còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình trong âm nhạc chiêng, rằng thường, hát ví... Nét văn hoá truyền thống này luôn gắn kết chặt chẽ trong các sự kiện quan trọng, lễ trọng của mỗi gia đình, xóm, bản. Gần đây, huyện đã nỗ lực đưa việc truyền dạy chiêng Mường, hát dân ca và mặc trang phục truyền thống vào các chương trình giáo dục của các trường học trên địa bàn huyện. Trong năm 2016, ngành GD&ĐT huyện tổ chức được hội thi trình tấu chiêng Mường, hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc Mường thu hút đông đảo thí sinh, tham dự đã tạo được dấu ấn và ý nghĩa trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt, trên 400 nghệ nhân chiêng của huyện sẽ tham gia biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập huyện và nhiều nghệ nhân tham gia trình diễn chiêng Mường tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần II, năm 2016. 

 

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà sàn truyền thống là vấn đề được nhiều người quan tâm. Huyện đã khuyến khích các hộ dân gìn giữ, tôn tạo các ngôi nhà sàn cổ. Song song với đó là khắc phục hạn chế, khó khăn trong sử dụng nguyên liệu truyền thống như: gỗ, tre, nứa để làm nhà sàn bằng các vật liệu xây dựng mới là bê tông cốt thép và sơn giả gỗ. Việc làm này vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc, vừa hạn chế được việc phá rừng. Hiện nay, nhà sàn truyền thống bằng gỗ của huyện chiếm khoảng 60%, nhà sàn bằng bê tông cốt thép chiếm từ 25 - 30%.

 

Cùng với việc việc nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, huyện Lạc Sơn đã thực hiện hiệu quả CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC”. Hàng năm, huyện có trên 80,3% số hộ gia đình văn hoá. Năm 2015, toàn huyện có 271 xóm, phố văn hoá…

 

                                                                         Hồng Duyên

 

 

Các tin khác


Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không gian thiêng liêng, hun đúc niềm tự hào dân tộc

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, mỗi người con đất Việt lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu, hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Hội thảo khoa học lịch sử về tinh hoa văn hóa Tây Tiến và du lịch Tây Tiến

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử "Tinh hoa văn hóa Tây Tiến và kết nối du lịch theo con đường bộ đội Tây Tiến" (du lịch Tây Tiến).

Xã Quang Tiến sôi nổi xây dựng đời sống văn hóa

Cuối năm 2023, tuyến đường nối giữa 2 cụm dân cư thuộc xóm Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) được mở mới và cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, giao thương của nhân dân.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024

Chiều 16/5, tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024. Đây là chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Tuyên truyền, giới thiệu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho học sinh

Ngày 15/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị nội dung di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho 100 học sinh Trường TH&THCS Bãi Lạng (Lương Sơn).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục