(HBĐT) - Xưa kia, trong mỗi bản làng của vùng Mường Bi rộng lớn đều có những "cây hát” (người hát hay, đối đáp thông minh) nổi tiếng. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn, bà con không còn được chứng kiến các "cây hát” thức trắng đêm để hát đối. Những buổi đi chặt củi ở rừng hát say sưa đến quên lối về cũng chỉ còn là những ký ức thi thoảng lại chấp chới trong tâm khảm của những người con ở vùng mường Bi rộng lớn.

 


Hát đối, điểm nhấn nổi bật trong Lễ hội Khai hạ Mường Bi, nơi các "cây hát” nổi tiếng của các xã trong huyện Tân Lạc giao lưu, thi tài.

Mường Bi, một trong những cái nôi văn hóa lớn nhất của người Mường ở Hòa Bình. Từ thuở khai thiên, lập địa, trong đời sống của vùng mường rộng lớn không thể thiếu những câu hát ví, hát đối hay còn gọi là hát bọ mẹng, hát đúm. Thế nhưng, khi cuộc sống ngày càng sung túc, sự giao thoa về mặt văn hóa ngày một mạnh mẽ hơn, những câu hát ví, hát đối ngày nào cũng xuất hiện ngày một ít đi. Đó như một lẽ tất yếu của thời đại. Thế nhưng, không vì thế mà những câu hát trôi dần vào quên lãng, kể từ năm 2002, khi Lễ hội Khai hạ Mường Bi được chính thức phục dựng lại, một số nét văn hóa truyền thống của vùng mường đã được gìn giữ, phát huy. Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người Mường Bi lại háo hức đi trẩy hội.

Lễ hội - nơi gặp gỡ của những "cây hát”

Với người Mường Bi, sẽ thật tiếc nuối nếu sau khi đón Tết Nguyên đán xong, vì một lý do nào đó mà họ không được đi du xuân tại Lễ hội Khai hạ. Suốt 15 năm qua, cứ đều đặn vào ngày mùng 6, mùng 7 Tết là vùng mường Bi mở hội khai hạ. Trong 2 ngày này, bà con ở khắp các nẻo đều đổ về trẩy hội. Dù thời tiết có năm rét đậm, rét hại hay vào đúng những ngày trời lất phất mưa xuân thì lễ hội vẫn chật kín biển người. "Lễ hội đã trở nên quá quen thuộc, một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng tôi. Tại đây, chúng tôi được sống lại những ký ức thời thơ ấu với nhiều trò chơi dân gian. Hay những câu hát đối mà trước đây có khi thức trắng đêm để nghe, để hát giao duyên với nhau”, ông Quách Văn Hợp, xóm Vui, xã Mãn Đức chia sẻ.

Nhắc đến những "cây hát” nổi tiếng ở lễ hội khai hạ Mường Bi, không thể không kể đến ông Hợp, người đã hai lần đoạt giải quán quân và một lần về nhì sau bốn lần tham gia. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có người ông, người cha giỏi cò ke, ống sáo, giỏi hát đối nên những làn điệu của dân tộc đã ngấm vào máu thịt ông Hợp từ lúc nào không hay. Ông Hợp chia sẻ: "Nghe nhiều nên thuộc giai điệu, chứ hát đối không có những bài sáng tác sẵn để hát theo. Từ giai điệu, người hát sẽ vận dụng sự nhanh nhẹn trong ứng xử để đối đáp đúng chủ đề mà đối phương đưa ra. Trong cuộc sống thường ngày, hát đối không giới hạn về thời gian nhưng ở lễ hội thì mỗi cặp thi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Với khoảng thời gian ngắn và áp lực từ khán giả, người hát phải thật nhanh nhẹn thì mới đối đáp thuyết phục, ghi được điểm cao. Để câu hát mềm mại, truyền cảm thì người hát phải tuân thủ nguyên tắc câu sáu chữ, tám chữ xen kẽ nhau, giống như thể thơ lục bát”.


Hằng năm, Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức đều thu hút hàng vạn du khách gần xa đến trẩy hội.

Chính nguyên tắc đó mà nhiều người dù ở xóm thuộc tốp những "cây hát” nhưng khi tham gia thi tài tại lễ hội khai hạ lại chưa thể hiện được mình. Chúng tôi tìm về xã Do Nhân, mảnh đất cũng đã sản sinh ra không ít những giọng ca ngọt ngào. Trong chuyến đi này, thật tình cờ chúng tôi được gặp bà Bùi Thị Miền, xóm Mương, đối thủ của ông Hợp ở trận chung kết hát đối năm nào tại lễ hội khai hạ. Năm nay 63 tuổi, bà Miền là một trong những nghệ nhân vẫn say với những câu hát đối, với âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng Mường. Bà tâm sự: "Đã là những giá trị truyền thống thì mình phải giữ gìn, truyền dạy cho con cháu. Nhiều năm qua, việc tổ chức lễ hội khai hạ không chỉ là nơi du xuân, mà còn có ý nghĩa trong giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo tồn những giá trị của dân tộc mình. Ngày nay, cuộc sống thay đổi nên việc hát đối không còn diễn ra thường xuyên như trước nhưng trong hội hè, lễ tết chúng tôi vẫn duy trì và nhắc nhở con cháu gìn giữ”.

Người truyền tình yêu, cảm hứng…

Ngày nay, lễ hội hay những ngày quan trọng của xóm, làng là những dịp hiếm để những nghệ nhân như bà Miền, ông Hợp cất lên tiếng hát. Tiếng hát say mê đó đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ đối với những câu hát đối ngọt ngào, đầy trí tuệ mà ông cha để lại. Thuộc thế hệ trẻ, chị Bùi Thị Liên, xóm Mương (xã Do Nhân) phải thừa nhận rằng, nếu không có những người chỉ dạy như bà Miền (mẹ chồng chị Liên) thì lớp trẻ sẽ dần để vuột mất những giá trị bản sắc của dân tộc. "Ngoài lễ hội khai hạ, ở xóm thi thoảng có hội hè thì các cụ, các bà vẫn hay hát đối với nhau. Đó là dịp để chúng tôi được lắng nghe, học hỏi và có cơ hội tham gia vào cuộc hát để rèn luyện. Từ đó thấy được cái hay, cái đẹp của câu hát đối mà có ý thức giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy cho con cháu của mình”, chi Liên chia sẻ.

Không chỉ sở hữu những giọng hát hay, xóm Mương còn có Câu lạc bộ cồng chiêng, là nòng cốt của xã tham gia thi tài tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Để đảm bảo tính kế thừa, ngoài những nghệ nhân gạo cội, các đội thi tham gia lễ hội đã có những sự trẻ hóa, với sự xuất hiện ngày càng nhiều những chàng trai, thiếu nữ tuổi đôi mươi. Dù đã từng đạt giải cao nhưng trong những kỳ lễ hội gần đây, ông Quách Văn Hợp (Mãn Đức) và bà Bùi Thị Miền (Do Nhân) không còn tham gia nội dung hát đối nữa. Ông Hợp lý giải: "Đã tham gia thi thì ai cũng mong muốn đạt thành tích cao nhất. Thế nhưng, mình cũng phải tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi hơn để họ cọ xát, học hỏi từ các đội bạn. Không tham gia đội hát đối nhưng phường bản âm thì năm nào tôi cũng góp mặt ”.

Một mùa xuân nữa lại đến, Tết đang gõ cửa từng nóc nhà ở vùng Mường Bi rộng lớn. Măc dù lễ hội khai hạ chỉ diễn ra trong 2 ngày, thế nhưng, những hình ảnh về ngày hội, những câu hát hay, những màn đối đáp ấn tượng vẫn lưu lại trong tâm khảm của những người Mường Bi yêu tiếng hát. Nhờ những chiếc điện thoại thông minh mà chúng ta không khó để tìm và nghe lại câu hát hay và những màn đối đáp ấn tượng. Trong thời đại bận rộn, đây là phương tiện không thể thuận lợi hơn để người Mường Bi bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của mình. Mong rằng, vào một mùa lễ hội gần nhất, trên sân khấu của lễ hội khai hạ sẽ xuất hiện những "cây hát” mới, những màn hát giao duyên của những người trẻ thực sự./.


                                                                            Viết Đào


 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục