(HBĐT) - "Đây là một mảnh cuốc đá, được phát hiện tại bờ sông Chương thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc vào năm 1975... Đây là rìu tứ giác, khai quật tại di chỉ hang Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc năm 1973... Đây là rìu mài lưỡi, khai quật tại hang Chổ, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn năm 1998... Những công cụ này có thể dùng chặt, đập ốc, nạo quả, xẻ thịt động vật hay đào xới đất, săn bắt động vật... hiệu quả hơn dùng sức tay gấp nhiều lần, cải thiện năng suất lao động rõ rệt”... Theo lời giới thiệu của chị Bùi Thị Thiện Tân - cán bộ Bảo tàng tỉnh, tôi say sưa ngắm nhìn từng hiện vật đá được trưng bày trong không gian sống động và ấm cúng. Có trên 300 hiện vật đá được trưng bày tại đây. Chúng đang trở thành "những sứ giả thời gian” tái hiện giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình.


Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật đá thuộc nền Văn hóa Hòa Bình trưng bày tại Bảo tàng.

Chị Tân giới thiệu: Đặc trưng nhất của nền Văn hóa Hòa Bình là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội. Bằng sự kết hợp các thủ pháp kỹ thuật chẻ - bổ, đập - bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa, cư dân nền Văn hóa Hòa Bình đã tạo ra nhiều loại công cụ như: 1/4 viên cuội, hình đĩa, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, công cụ mài lưỡi, cuốc đá, rìu có nấc có vai... Ngoài ra, họ còn biết tạo một số công cụ từ mảnh tước của hạch đá và công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai. Đó đều là những công cụ thô sơ, mang đậm những giá trị của một nền văn hóa tiền sử độc đáo.

"Văn hóa Hòa Bình được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) và thời đại đá mới (Văn hóa Bắc Sơn)” – chị Tân nhấn mạnh và say sưa giới thiệu: Trong các hang động và mái đá của Hòa Bình, người ta đã tìm thấy nhiều loại hình công cụ được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Cũng giống như Văn hóa Sơn Vi, công cụ của người Hòa Bình hầu hết đều làm bằng đá cuội. Nhưng nếu như ở Văn hóa Sơn Vi, chủ nhân của nó chỉ biết ghè đẽo ở rìa viên cuội và giữ lại cả hai mặt vỏ cuội thì đến giai đoạn Văn hóa Hòa Bình, con người đã biết ghè đẽo rộng lên cả mặt viên cuội. Họ thường ghè đẽo một mặt viên cuội, còn một mặt giữ nguyên vỏ cuội. Đó là dấu hiệu cho thấy Văn hóa Hòa Bình là sự phát triển cao hơn, trên nền kỹ thuật ghè đẽo của Văn hóa Sơn Vi.

Bên cạnh góc trưng bày các hiện vật đá thuộc thời đại đá cũ, là góc trưng bày "Mỹ thuật trong Văn hóa Hòa Bình” - nơi chứng minh rằng hoạt động nghệ thuật của chủ nhân Văn hóa Hòa Bình đã xuất hiện. Dấu tích còn lại trong các di chỉ tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ thuyết phục bất cứ du khách nào đặt chân đến đây để tìm hiểu. Nếu nhìn kỹ từng hiện vật, khách thăm quan có thể thấy một số hình khắc trên đá hay những họa tiết trang trí trên đồ xương. Chủ yếu là các hoa văn hình học như vạch song song, vòng tròn đồng tâm hay hình vẽ đơn giản như sóng nước, răng lược, xương cá... Bên cạnh nghệ thuật, cư dân Văn hóa Hòa Bình đã có khái niệm về thẩm mỹ. Họ biết sáng tạo ra các đồ trang sức đơn giản, rất sinh động để làm đẹp. Từ những mảnh xương, con ốc, họ đã biết sơ tác, khoan tạo lỗ, xuyên dây để làm vòng tay, vòng cổ, hoa tai rất tinh tế và đẹp mắt.

Nếu như những hiện vật sinh động kia vẫn chưa thể giúp bạn hình dung một cách rõ ràng đời sống sinh hoạt của người tiền sử thuộc nền Văn hóa Hòa Bình thì khu vực "Mô hình hang động” nhất định sẽ làm được điều đó. Tại đây, Bảo tàng tỉnh đã tái hiện một phần cuộc sống của người nguyên thủy trong Văn hóa Hòa Bình, mô phỏng dựng lại một hang động mà người nguyên thủy đã cư trú. Theo đó, cư dân Văn hóa Hòa Bình đã có ý thức trong việc lựa chọn nơi cư trú – tức là các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, nơi sẵn nguyên liệu đá cuội để chế tác công cụ lấy từ các sông, suối chảy qua thung lũng. Trong mỗi hang thường có 20 – 30 người cư trú, chia nhỏ ra các nhóm 5 – 6 người chung một bếp trong hang. Đây chính là "bức tranh” hiện thực đã hoàn thành xuất sắc vai trò kể chuyện của nó. Rằng, cách ngày nay hàng vạn năm đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ đại rực rỡ mang tên Văn hóa Hòa Bình.

Được biết, nằm trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm "85 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình”, năm 2017, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các giá trị tiêu biểu của nền Văn hóa Hòa Bình. Điểm nhấn nổi bật nhất là hàng trăm hiện vật đá, vốn được coi "những sứ giả của thời gian” đã tồn tại qua hàng vạn năm, mang trong mình dấu ấn đậm đặc của Văn hóa Hòa Bình - một nền văn hóa tiền sử luôn đầy sức hút và chứa đựng những giá trị bí ẩn trường tồn với thời gian.

Thu Trang

 

Văn hóa Hòa Bình được nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani phát hiện, nghiên cứu và đặt tên từ những năm 1926 - 1931. Đến năm 1932, tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ I họp tại Hà Nội, Văn hóa Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hóa này. Đây là nền văn hóa tiền sử có niên đại khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm.


Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục