Mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) năm 2018 tiếp tục "nóng” với việc các địa phương, hội đồng cấp cơ sở bình chọn và gửi danh sách lên Bộ VHTTDL, đề xuất vinh danh các cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp. Tiếc là những lùm xùm quanh việc công nhận, phong tặng danh hiệu không chỉ khiến công chúng bất bình mà người trong giới cũng nản, không còn mặn mà với danh hiệu cao quý.


Hai NSƯT Chí Trung và Minh Hằng từng vất vả với những thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND. Ảnh: T.L

Những cái kếtđược báo trước

Năm 2015, khi đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSNDlần thứ 8 rục rịch, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra về những "ngang trái” trong việc xét duyệt hồ sơ của NSƯT Chí Trung, Minh Hằng (hai nghệ sĩ thuộc biên chế của Nhà hát Tuổi Trẻ).

Theo yêu cầu về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ phải đoạt 2 HCV. Trường hợp của NSƯT Chí Trung đã có 3 HCB và 1 giải "Đạo diễn xuất sắc”. Tại Hội đồng cấp cơ sở, giải Đạo diễn xuất sắc (với vở "Mùa hạ cuối cùng”) của NSƯT Chí Trung được xem xét như một HCV (vì đó là giải cao nhất trong hạng mục dành cho đạo diễn ở Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ). Theo quy định, cứ 2 HCB có thể quy đổi giá trị thành 1 HCV nên nghệ sĩ Chí Trung đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu NSND.

Tuy nhiên, ngay khi lên Hội đồng xét tặng ở cấp cao hơn, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung không đủ để quy đổi thành một HCV. Và lần đó, hồ sơ của "Táo Giao thông” đã bị gạt ra trong sự bức xúc lẫn bất bình.

Đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 9 năm 2018, nghệ sĩ Chí Trung vẫn tiếp tục không có tên trong danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND mà Bộ VHTTDL vừa công bố để lấy ý kiến. Những ngày qua, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Công Lý được, Chí Trung hay Hoài Linh lại không? Tại sao có những người công chúng không nhớ mặt được xét danh hiệu, trong khi nghệ sĩ ở trong lòng nhân dân thực sự lại bị "đánh trượt”?

Với trường hợp của NSƯT Minh Hằng, sau những bất hợp lý của lần xét tặng trước, lần này có vẻ là một kết thúc có hậu, dù chua chát. Còn nhớ đợt xét tặng lần thứ 8, nghệ sĩ Minh Hằng và cả phía Nhà hát Tuổi Trẻ đã phải "chạy đôn chạy đáo”, phát nản vì những thủ tục rườm rà, nhiêu khê liên quan đến việc xét tặng danh hiệu. Vào khoảng thời gian làm hồ sơ (từ tháng 4 đến tháng 5.2015), Minh Hằng thiếu 1 HCB (nữ nghệ sĩ đã có 3 HCB). Đến tháng 6.2015, khi diễn ra Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc - NSƯT Minh Hằng đã đoạt HCV với vai diễn trong vở "Công lý không gục ngã”.

Ngay khi NSƯT Minh Hằng đoạt HCV, Nhà hát Tuổi Trẻ đã xin được bổ sung huy chương vào hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của nghệ sĩ nhưng không được chấp nhận. Và sau các vòng bỏ phiếu, nghệ sĩ Minh Hằng vẫn bị đánh trượt với lý do thiếu HCB, dù chị đã nhận HCV.

Bản thân nghệ sĩ Minh Hằng khá buồn rầu khi chia sẻ rằng, "3 năm nữa mới lại có một đợt xét tặng danh hiệu mới. Đợi đến lúc được tặng, chắc tôi đã về hưu”. Quả là nghệ sĩ Minh Hằng vừa lui về nghỉ ngơi theo chế độ sau mấy chục năm cống hiến cho nghệ thuật và năm nay, chị đã lại có tên trong danh sách những nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND mà Bộ VHTTDL công bố vào 27.4 vừa qua.

Trường hợp như nghệ sĩ Minh Hằng không phải là hiếm. Có một số nghệ sĩ, dù được khán giả yêu mến, có nhiều đóng góp, lúc còn sống lại không được vinh danh kịp thời đến lúc thác đi mới được truy tặng danh hiệu.

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh làm đơn xin xét tặng danh hiệu NSND. Cả hai đủ tiêu chuẩn nhưng hồ sơ đến vòng cuối cùng thì không được xét duyệt vì những... "lý do riêng”. Thế rồi cuối cùng, vợ chồng nghệ sĩ tài hoa đều được truy tặng khi họ đã mãi mãi đi xa. Và trường hợp của các cố nghệ sĩ Văn Hiệp, La Thị Cẩm Vân cũng vậy.

Những tấm huy chương không đo hết tài năng của người nghệ sĩ nhưng lâu nay vẫn đang là "quy định cứng” giúp các nghệ sĩ được vinh danh với danh hiệu. Nếu không có đủ "lá bùa thông hành” này, nghệ sĩ dù có tài năng, được khán giả yêu mến, mong muốn vinh danh bằng danh hiệu thì vẫn cứ phải chờ.

Mệt mỏi "đi xin” danh hiệu

Danh hiệu không làm người nghệ sĩ giàu thêm về tiền bạc nhưng thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước với những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà. Danh hiệu nếu được trao đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn động viên lớn lao để nghệ sĩ nỗ lực cống hiến. Nhưng tiếc là việc xét tặng, vinh danh nghệ sĩ bằng danh hiệu vẫn còn mang tính hình thức, nặng về thủ tục, hay nói như một số người là "cơ chế xin cho vẫn đè nặng trong việc phong tặng danh hiệu”.

Đã từng trải qua những ngày "chạy mỏi chân đi xin chữ ký nhưng rồi vẫn thiếu chỗ này, trống chỗ kia”, NSND Minh Châu thẳng thắn cho rằng, cần thay đổi cách tôn vinh nghệ sĩ, đặc biệt là cách trao tặng danh hiệu.

Hay như trường hợp của NSƯT Trần Hạnh, chia sẻ với phóng viên sau khi biết tin mình được "đặc cách”, đề xuất xét tặng danh hiệu NSND năm 2018, dù phấn khởi nhưng ông bảo niềm vui đó chưa trọn vẹn. Khi còn sức khỏe, còn cống hiến, ông từng nhiều lần làm hồ sơ nhưng lần nào cũng gặp trở ngại về thủ tục, chủ yếu do làm hồ sơ không đầy đủ, không chính xác khi tuổi đã cao, trí nhớ bị suy giảm.

"Mỗi người nghệ sĩ có cái tự trọng riêng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu. Nếu ai đủ tiêu chuẩn, nên để cho các nhà hát, đơn vị sân khấu tự đề xuất”, NSƯT Trần Hạnh mong mỏi.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng cho rằng, quy định nghệ sĩ phải làm hồ sơ, tờ trình để xin xét tặng danh hiệu đang dần trở thành những thứ thủ tục khiến cho việc vinh danh nghệ sĩ gặp quá nhiều rào cản mà người trong nghề vẫn ì xèo là "phải xin thì mới được cho” - phải làm hồ sơ, thi thố lấy giải thì mới được xét tặng.

Vì lòng tự trọng, nhiều nghệ sĩ tài năng đã từ chối làm hồ sơ. Bởi với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào, đều muốn ngẩng cao đầu mà nhận danh hiệu, bằng chính tài năng và cống hiến của mình.

Tại sao phải làm hồ sơ xin được xét tặng?

"Người nghệ sĩ luôn thích ngẩng cao đầu để đạt được danh hiệu, chúng tôi cống hiến chứ không đi xin, vậy tại sao phải làm hồ sơ xin được xét tặng? Danh hiệu là niềm tự hào, không phải căng thẳng xem thiếu mục nào, đi xin chữ ký chỗ nọ, xin chữ ký chỗ kia. Là người từng phải làm những việc đó, tự nhiên tôi cảm thấy bản thân bị hạ thấp. Đã đến lúc cần thay đổi. Nhà nước nên tự xem xét những người xứng đáng thì có cơ chế vinh danh, đừng bắt nghệ sĩ phải làm hồ sơ hay các thủ tục giấy tờ rườm rà như hiện nay nữa”. (NSND Minh Châu)

                                                                   Theo báo Lao Động


Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục