(HBĐT) - Những ai đã đặt chân đến mảnh đất Cao Bằng và thưởng thức hương vị bánh khảo hẳn sẽ không thể quên hương vị đậm đà của món bánh này. Trước kia, bánh được dùng thay kẹo trong mỗi dịp lễ, Tết của đồng bào Tày. Ngày nay, cùng với sự yêu thích của thực khách, nghề làm bánh khảo phát triển rộng hơn, nhiều nơi trên mảnh đất Cao Bằng, nhân dân đã sản xuất bánh hàng ngày phục vụ nhu cầu mua làm quà của du khách. Song ngon nhất, đậm đà nhất, có hương vị riêng biệt nhất vẫn phải kể đến bánh khảo xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh - nơi được xem là khởi nguồn làm bánh khảo ở Cao Bằng.


Chị Nguyễn Thị Hương, con gái bà Hoàng Thị Hải, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đóng gói bánh khảo theo đặt hàng của khách du lịch.

Bà Hoàng Thị Hải, trú tại xã Thông Huề, người có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh khảo cho biết: Chiếc bánh là món quà quê dung dị nhưng để làm ra gồm nhiều công đoạn cầu kỳ, tính cả quy trình khoảng mươi bước: chọn gạo, rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn…

Gạo làm bánh khảo phải là loại hạt tròn, mẩy, đãi thật sạch. Hiện nay, người Thông Huề chủ yếu dùng gạo nếp "Hèo” đặc biệt thơm và dẻo, được để giống từ đời xưa. Gạo sau khi được ngâm với nước ấm rồi vớt ra để ráo, sàng qua một lượt, bỏ hết những hạt gãy, vỡ, rang ít một trên chảo gang, lửa liu riu, dưới có một lớp mỡ mỏng. Đạt yêu cầu là khi hạt gạo chín tới, có màu vàng nhạt, cắn thấy giòn tan. Cũng theo bà Hải, nếu quá lửa, hạt gạo trong sống, ngoài xém, màu của bánh sau này sẽ xấu. Vậy nên để đảm bảo, mỗi mẻ chỉ rang từ 1-2 bát gạo, đảo đều tay. Cả buổi tối có khi mới rang xong 5 kg gạo.

Gạo sau khi rang để nguội, xay khô cho đến khi bột mịn, hạ thổ để qua đêm cho bột ỉu, lấy đường phên giã nhỏ hòa nước đổ vào bột, nhào cho đến khi bột dính cho vào khuôn ép. Muốn bánh khảo thêm ngon, thêm bùi, nhân bánh cũng phải đủ vị và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhân bánh gồm có lạc, vừng và thịt mỡ. Vừng đen hoặc lạc rang giã nhỏ, luộc chín mỡ lợn, thái hạt lựu ướp với đường kính.

Thoăn thoắt đôi tay, bà Hoàng Thị Hải đổ bột vào khuôn, lấy lông gà rắc lên một lớp bột sống mỏng, cho nhân, đổ thêm lớp bột lên trên, rồi dùng bàn ép ép chặt, lấy dao khía lên bánh để chia thành các phần bằng nhau. Vừa làm, bà vừa giải thích: việc chia bánh phải thực hiện ngay khi ép bởi nếu để lâu bột sẽ khô, khó cắt. Khi khía vẫn phải vẩy bột sống để tránh dính và khi ăn dễ dàng bẻ ra, hai nửa bánh không dính vào nhau.

Sau khi gỡ ra khỏi khuôn, bánh khảo được gói bằng giấy bản, thường có màu trắng. Phong bánh khảo sau khi hoàn thành có hình chữ nhật, to, nhỏ, dày mỏng tùy theo người làm. Bánh khảo Cao Bằng có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng và lạc rang, vị ngậy của thịt mỡ, vị ngọt thanh của đường. Tất cả hòa quyện, đậm đà khó quên. Bánh khảo được bán theo chục, giá từ 100.000 - 140.000 đồng/10 phong nhỏ.

Do khó thiu, mốc nên trước đây bánh khảo còn được coi là lương khô của người Tày. Bà con khi lên nương mang theo bánh ăn chống đói. Ngày nay, bánh khảo là loại bánh không thể thiếu với mỗi người dân Cao Bằng trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán. "Ngon nhất là thưởng thức hương vị bánh bên tách trà ấm nóng để cảm nhận niềm vui lao động, hương vị lúa mới và tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng đã tạo nên một loại bánh công phu, đặc trưng có một không hai” - bà Hoàng Thị Hải chia sẻ.

Hải Yến


Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục