(HBĐT) - Hiện nay, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng hồ sơ mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp đang được tiến hành khẩn trương. Để mọi người cùng tìm hiểu về mo Mường, ý nghĩa đời sống, giá trị nhân văn và di sản, Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu loạt bài tìm hiểu về mo Mường.





Cố thầy Mo Bùi Văn Cù. xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đang thực hành một nghi lễ Mo.        

Mo Mường là gì?

Trong giới học giả trong và ngoài nước hiện có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về mo của dân tộc Mường (gọi tắt là mo Mường). Theo ý kiến của cá nhân tôi xin được đưa ra định nghĩa như sau: Mo Mường là các nghi lễ dân gian có tính thiêng được đặc biệt sử dụng trong tang lễ và một số nghi lễ cầu mạnh khỏe của người Mường. Mục đích nhằm giải quyết các "thủ tục”, các công việc trong tang lễ trước khi đưa người chết đi chôn cất và trấn an tinh thần, cầu mạnh khỏe cho con người. Ở góc nhìn khác, tôi thấy: Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản văn hóa có tính nguyên hợp, là hoạt động tín ngưỡng, văn hóa dân gian chỉ thực hiện trong tang lễ và một số nghi lễ tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Mục đích nhằm cầu mạnh khỏe, trấn an con người trước các biến động lớn khi đau ốm, chết người và thực hiện các nghi lễ trong tang lễ trước khi đưa người chết đi mai táng.

Mo Mường bao gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời Mo, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, tức là nghệ nhân mo. Trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo chiếm vị trí quan trọng nhất.

- Lời mo nói chính xác hơn chính là các bài văn khấn, văn vần dân gian: Được người Mường gọi là các bài mo, cát mo, roóng mo... Theo cách phân chia ngày nay nó tương ứng với các chương, hồi… Mỗi một cát mo, roóng mo thông thường được sử dung trong một nghi lễ cụ thể, có chức năng và nội dung khác nhau.

- Môi trường diễn xướng: Tang lễ và các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội liên quan.

- Nghệ nhân mo: Là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: túi khót, gươm, giáo... Phục trang: các loại mũ, áo quần...

Bao đời qua, lời mo được truyền dạy truyền khẩu gắn liền với con người thực hành mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian. Chỉ từ khi được sưu tầm, biên dịch, in thành sách, lúc này lời mo mới tồn tại riêng rẽ ngoài con người. Bao lâu nay khi nói đến mo Mường chúng ta chỉ nói về lời mo chứ không nói đến môi trường, con người diễn xướng.

 Mo Mường sinh ra để làm gì?

Cuộc đời mỗi con người ở các dân tộc khác nhau đều có những nghi lễ liên quan đến vòng đời như: sinh đẻ, trưởng thành, kết hôn… Đối với người Mường, tang lễ là nghi lễ cuối cùng của cuộc đời mỗi con người mà con người chỉ được thụ hưởng khi chết.

Trong quan niệm về cõi sống và cõi chết, người phương Tây tin vào Thiên chúa, cầu mong sau khi chết linh hồn của họ sẽ được lên Thiên đàng và được sống bên cạnh Đức Chúa Giê-su (về bên Chúa). Trong khi những người dân châu Á theo Phật giáo mong muốn được lên cõi niết bàn của Đức Phật, hoặc được đầu thai (theo quan niệm luân hồi). Người chết được tới các thế giới tốt đẹp như thiên đàng, tây phương cực lạc... tránh bị đày đoạ ở cõi Atula, ngạ quỷ, súc sinh hay địa ngục... Những người Hồi giáo Ả Rập lại mong sau khi chết được về bên thánh Ala của họ. Với người Mường khi chết đi họ chuyển sang thế giới ma bên Mường Chạ Đống cùng với tổ tiên, họ hàng bên ma.

Từ những niềm tin và quan niệm trên, các dân tộc sản sinh ra các cách thực hiện tang lễ, thực hiện những nghi lễ cần thiết để chuẩn bị và tiễn đưa người quá cố đi đến cõi vĩnh hằng.

 Với người Mường, nguồn gốc cơ bản sinh ra mo cũng từ đời sống, từ nhận thức và quan niệm dân gian Mường về cõi sống, cõi chết. Tang lễ và mo Mường sinh ra để giải quyết các vấn đề về "thủ tục” cho người chết trước khi mang đi mai táng, như: tắm rửa - khâm liệm cho thi hài, nhập quan, mời hồn người chết ăn uống, chia của cải cho người chết… Không chỉ có vậy, người Mường còn "trang bị kiến thức, tri thức” cho người chết (thực chất là cho người đang sống) thông qua mo kể chuyện (trong đó có mo sử thi), trong đó kể chuyện lịch sử sinh ra vũ trụ, sinh ra con người, quá trình đấu tranh sinh tồn thuở hồng hoang, quá trình phân tầng xã hội, kiến thức về địa lý dân gian (có trong mo nhòm)…

Người Mường quan niệm rằng chết chưa phải là đã hết, chết là sự khởi đầu của con người sang thế giới khác, đó là Mường Chạ Đống, nơi đó hồn vẫn phải lao động, sản xuất. làm ăn giàu có để còn phải bênh vực con cháu đang sống bên Mường Sáng. Thế nên trong lời mo có nói rõ với hồn người chết trong nghi lễ mo cúng dâng cơm - người Mường gọi là woái bưa hoặc nhương ăn nhương óng hay mo trâu: "Cái gốc con vật thịt được ăn/ Vía con vật người thu lấy mang về Mường Ma/ Nuôi nấng, cho nó sinh sẻ, đẻ ra/ Để làm của cải tài sản/ Để giàu bên ma/ Mới khá bên đàng cháu con… ”. Lời mo rất rõ ràng, vậy thì nếu cúng bằng gà, lợn, trâu, bò… thịt con vật đó được mổ ra cúng bên ma thụ lễ ăn trước, sau con cháu bên Mường Sáng hưởng lộc ăn sau; hồn, vía con vật được người chết mang về…

Đó là quan niệm, là triết lý, là slogan của người Mường về các nghi lễ có trong tang lễ trong đó có mo Mường.

 Dung lượng mo và phân thể loại mo của dân gian Mường

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều bản mo được sưu tầm, song có 3 bản mo chính đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng, quy mô rất lớn. Theo nhà sưu tầm Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ mo phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng mo, tương đương với các nghi lễ tương ứng chứa đựng hơn 44.000 câu thơ mo. Trong công trình mo Mường dài 3 tập của Bùi Nợi có hơn 22.000 câu mo. Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh xuất bản năm 2010 có dung lượng trên 22.500 câu. Bùi Huy Vọng sưu tầm rải rác trong các công trình khoảng 10.000 câu. Tuy nhiên, chỉ có bản của Bùi Thiện đầy đủ hơn vì trong đó sưu tầm cả mo vía, mo tín ngưỡng… Còn lại chủ yếu là sưu tầm mo trong tang lễ.

 Ngày nay giới học giả chia mo Mường ra các thể loại chính: Mo nghi lễ, mo kể chuyện thường hay diễn xướng vào ban đêm nên còn được gọi là mo tliêu, mo nhòm… và sau này khi sưu tầm, biên dịch thành văn bản, một số vị cố tình phân chia ép khung theo cách phân loại đó.

  Mo nghi lễ: Đây là hình thức mo thực hiện các nghi lễ có tính thủ tục trong đám ma và một số nghi lễ cầu mạnh khỏe.

  Mo tliêu còn được gọi là mo kể chuyện; trong thể loại này có nhiều chương mo sử thi Đẻ đất - đẻ nước, mo kể chuyện Vườn hoa núi Cối… Phần trước khi thực hiên thể loại mo này đều có mo nghi lễ.

 Mo nhòm: Nhòm là tiếng Mường cổ có nghĩa là nhìn. Thể loại mo này đan xen trong mo kể chuyện, mo nghi lễ, khó tách rời nhau, nếu tách ra các roóng - chương mo sẽ trở nên què cụt, khó hiểu, người bên ngoài không hình dung được một chương mo hoàn chỉnh.

 Thực ra cách phân chia đó không sai, mà thật khó phân chia rành rọt như thế, vì nhìn chung có nghi lễ mới có mo, trong mo có mo kể chuyện, mo nghi lễ, xen với mo nhòm… tất cả đan xen, sự kiện nọ móc xích với sự kiện khác theo diễn trình mo…, được diễn xướng trong không gian rất đặc biệt, đó là đám ma hay các nghi lễ cầu mạnh khỏe.

 Mo kể chuyện, hay nói đúng hơn trong nội dung roóng mo có rất nhiều cát, có phần nghi lễ dẫn hồn người chết tham dự hay nghe các câu chuyện dân gian được lồng vào trong đó. Mo sử thi nằm trong thể loại mo kể chuyện.

(Còn nữa)

Bùi Huy Vọng (TTV)

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục