(HBĐT) - Theo chân các văn, nghệ sỹ của tỉnh, tôi có dịp đến thăm, thưởng ngoạn chốn điền viên của gia đình họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sỹ Văn Cao nằm nép mình trong một thung lũng đẹp thuộc xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Trong không gian tĩnh lặng, thoáng đãng man mác hương đồng nội ấy, tôi như được thăng hoa cùng cảm xúc của những người nghệ sỹ.


Các văn, nghệ sỹ của Hòa Bình, Hà Nội cùng gặp gỡ, chuyện trò tại khuôn viên gia đình họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao thuộc xã Mông Hóa (TP Hòa Bình).   

Dẫu đã được giới thiệu sơ lược về họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao, cũng như chốn gia trang mà vợ chồng ông đã chọn làm nơi an dưỡng tuổi già, nhưng khi đặt chân tới đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Không phải sự choáng ngợp mà là sự rung động dâng tràn cảm xúc. Nhất là khi cùng các văn nghệ sỹ bước vào căn nhà sàn mái lá được bài trí gọn gàng, ấm cúng và rất có gu. Điểm nhấn trong không gian là bức họa chân dung của người cha (cố họa sĩ, nhạc sỹ Văn Cao) hướng ánh mắt phiêu diêu về phía sân vườn, hồ nước. Đã từng nghe những ca từ lắng đọng, phiêu diêu, âm thanh da diết : "… Đò trăng cắm giữa sông vắng/ Gió đưa câu ca về đâu?/ Nhìn xuống đáy nước sông sâu/ Thuyền anh đã chìm đâu!…” trong bài hát "Trương Chi",  hay:  "Âm ba thoáng rung cánh đào rơi/ Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời/ Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan/ Quê hương dần xa lập núi ngàn/ Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền/ Ai hát trên bờ Đào Nguyên” trong bài hát "Thiên Thai" và những ca từ dìu dặt trong bài "Suối Mơ": "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối/ Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát/ Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”… của cố nhạc sĩ Văn Cao, tôi ngỡ như ông đang thu vào tầm mắt những tinh hoa của đất trời, cảnh vật để nhào nặn, đắp bồi thành những tuyệt tác thơ ca, nhạc, họa.

Chia sẻ dòng suy nghĩ này với họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao, tôi được ông khen "có con mắt nghệ thuật” và ông xác nhận: Đúng là không gian này được bài trí có chủ ý theo tâm nguyện của người cha - cố họa sỹ, nhạc sỹ Văn Cao. Vì là con trai trưởng và bộc lộ năng khiếu, đam mê nghệ thuật từ nhỏ, ông đã được cha đưa đi khắp nơi và chia sẻ tất cả những buồn vui trong cuộc sống và sự nghiệp sáng tác của mình. Vì vậy, ông hiểu cha mình hơn ai hết. Bởi vậy, ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông đã quyết tâm "bỏ phố lên rừng”, rời nơi ngôi nhà nhỏ ở phố Lê Duẩn - Hoàn Kiếm - Hà Nội để về với nơi có non xanh, nước biếc, không gian tĩnh lặng, không khí trong lành tại xã Mông Hóa - Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) để sinh sống và tiếp tục phát triển những đam mê nghệ thuật. Gần 20 năm gắn bó với nơi này, vợ chồng họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao đã thực sự "sống chậm”, "sống chất” như những cư dân đồng bào dân tộc Mường của Hòa Bình. Gia trang của vợ chồng được thiết kế đơn giản với ngôi nhà sàn rộng hơn 100 m2 lợp mái lá, trụ nhà xây bằng gạch để mộc không trát và khoảng sân rộng đã khắc dấu tháng năm bằng những lớp rêu phong. Phía trước ngôi nhà là khoảng ao rộng được điểm tô bởi những hàng cây và chiếc chòi nhỏ lợp mái lá có thể ngồi thưởng trà, hóng mát, câu cá, làm thơ. 

Đẹp như chốn thiên thai, hơn nữa chủ nhân là nghệ sỹ bởi vậy gia trang của vợ chồng họa sỹ, nhạc sỹ Văn Thao và nhà thơ Lan Vinh luôn được bạn bè chọn làm nơi tụ họp đàm đạo, sáng tác… Ngay như giới văn, nghệ sỹ của Hòa Bình mỗi năm cũng vài nhóm đến với không gian đẹp này. Họ đến đây để được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của cố nhạc sỹ Văn Cao - "cây cổ thụ 3 ngọn” của nền nghệ thuật     Việt Nam. Nghe họa sĩ, nhạc sỹ   Văn Thao kể về người cha kính yêu của mình qua cuốn hồi ức "Văn Cao - Đời và nghiệp” do chính ông chắp bút. Thư giãn, đàm đạo cùng trau dồi nguồn cảm xúc để sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm đẹp thêm vùng đất, con người, đời sống xã hội ở thời điểm hiện tại và lưu giữ cho muôn đời sau.

Lam Nguyệt (Hội Nhà báo tỉnh)

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục