(HBĐT) - Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc được cấp uỷ, chính quyền huyện Lạc Sơn quan tâm thực hiện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành 9 nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có 2 nghị quyết về lĩnh vực văn hoá, gồm: Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 về phát triển du lịch; Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 22/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trên địa bàn.


Các nghệ nhân đến từ câu lạc bộ hát thường rang, bộ mẹng xã Ngọc Sơn và xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) hát giao lưu.

Với dân số trên 1,4 vạn người, dân tộc Mường chiếm 91%, người dân trong huyện có đời sống văn hoá đa dạng, bản sắc. Toàn huyện lưu giữ gần 18.000 nhà sàn Mường, duy trì 58 câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, 252 đội văn nghệ xóm, phố, 1 CLB mo Mường cấp huyện, 7 CLB hát thường rang, bộ mẹng cấp xã, 3 CLB thơ ca, 189/252 xóm, phố đã xây dựng hương ước, quy ước. Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện, bên cạnh thuận lợi thì công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống còn một số khó khăn nhất định như địa bàn rộng; số nghệ nhân và những người am hiểu về văn hoá truyền thống không nhiều; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể còn hạn chế.

Thực hiện Luật Di sản văn hoá, UBND huyện Lạc Sơn đã chỉ đạo tiến hành kiểm kê đưa vào danh mục 196 điểm di tích, danh thắng, trong đó 75 điểm di tích, danh thắng được UBND tỉnh đưa vào danh mục quản lý. Hiện có 16 di tích, danh thắng được các cấp xếp hạng. Đây là tiềm năng cho phát triển ngành văn hoá, du lịch và phát triển KT-XH của huyện. Đáng chú ý, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đã được các ngành, địa phương tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho người dân, tiêu biểu là di tích đình Cổi - xã Vũ Bình, đình Khói – xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn, di tích lịch sử cách mạng Tây Tiến – xã Thượng Cốc.

Bên cạnh đó, huyện tiến hành kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm tiếng nói, chữ viết, trang phục, mo Mường, chiêng Mường, hát dân ca Mường… Các lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì tổ chức tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, gồm: lễ hội đu Vôi, lễ hội đền Thượng, lễ hội đền Trường Khạ ở thị trấn Vụ Bản; lễ hội đình Khói ở xã Ân Nghĩa; lễ hội đình Băng ở xã Ngọc Lâu; lễ hội đình Khênh ở xã Văn Sơn; lễ hội hang Khụ Dúng ở xã Nhân Nghĩa; lễ hội đình Cổi ở xã Vũ Bình; lễ hội xuống đồng ở xã Yên Phú.

Đến nay, toàn huyện có 8 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 7 Nghệ nhân Ưu tú. Những người nắm giữ di sản được quan tâm động viên, khích lệ kịp thời. Mới đây, Huyện uỷ đã tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành có nhiều cống hiến cho công tác bảo tồn văn hoá truyền thống trên địa bàn huyện nhân dịp xuân Quý Mão 2023. Huyện cũng có chính sách cho những người đi nghiên cứu, phục dựng và truyền dạy di sản cho các thế hệ; tạo điều kiện giúp các nghệ nhân tham gia trình diễn, gắn kết việc bảo tồn các di sản với hoạt động du lịch.

Để tăng cường bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tập trung tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhất là mo Mường, hát thường rang, bộ mẹng; mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá; đưa hát thường rang, bộ mẹng vào trường học trong chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thông qua các hoạt động bộ môn âm nhạc, lồng ghép trong giờ học tự chọn, sinh hoạt tập thể hoặc ngoại khoá; tổ chức liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn; các xã, thị trấn vận động thành lập các CLB…

Bùi Minh


Các tin khác


Nhà văn Trần Đức Tiến được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn 2023

Ngày 31/5, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng

Nếu tính từ triển lãm cá nhân đầu tiên Hiện thực và ảo tưởng (gallery Tràng An, Hà Nội, 1997) đến nay, Thiên khải là cột mốc sâu sắc và kỳ công bậc nhất của Đinh Quân (1964, Hải Phòng). Triển lãm đang diễn ra tại An Gallery (159 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), bày hơn 40 tranh sơn mài trừu tượng, trong đó có nhiều bức khổ lớn.

Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo

Xung quanh câu chuyện "trùng tu, tôn tạo di tích” thời gian qua đã xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Với những di tích được trùng tu bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, các nhà tài trợ đều như muốn thể hiện cái "Tôi” của mình to đùng, ngất ngưởng. Họ muốn theo kiểu: "ai bỏ tiền người đấy có quyền có tiếng nói.”

Xã Ngọc Sơn sôi nổi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) cho biết: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở địa phương đã gắn kết được nhiều cuộc vận động, phát huy vai trò chỉ đạo, tổ chức hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tính tự quản của người dân trong cộng đồng.

Tuổi trẻ Hòa Bình số hóa di tích lịch sử quảng bá văn hóa, du lịch

(HBĐT) - Công trình thanh niên số hóa các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ đang được Tỉnh Đoàn triển khai tích cực, hiệu quả. Không chỉ cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng một cách nhanh chóng, sinh động, công trình còn phát huy tinh thần xung kích, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.

Chương trình nghệ thuật tôn vinh giá trị Phật giáo trong lịch sử dân tộc

Tối 28/5, tại Việt Nam Quốc tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật mừng đại lễ Phật Đản - Phật lịch 2567 và kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân với chủ đề "Lửa thiêng rực sáng sử vàng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục