(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 di tích lịch sử cách mạng (LSCM) được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó, huyện Đà Bắc có 3 di tích; TP Hòa Bình và huyện Cao Phong mỗi địa phương có 2 di tích; huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy mỗi huyện 1 di tích. Các di tích không chỉ là những địa danh, công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu dấu giá trị lịch sử lớn lao, là niềm tự hào của dân tộc.


Du khách tham quan, tìm hiểu tại di tích lịch sử Nhà máy in tiền, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy).

Tiêu biểu phải kể đến chiến khu  Mường Khói thuộc xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn), là 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh thời kỳ tiền khởi nghĩa. Lực lượng cách mạng tại Mường Khói dần lớn mạnh nhờ có sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt có cả các quan lang Mường. Tháng 7/1945, chiến khu Mường Khói được chọn làm nơi tổ chức lớp huấn luyện quân sự "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu". Thời điểm đó, nhân dân Mường Khói, dù đang gồng mình chống đỡ nạn đói và sự càn quét gắt gao của thực dân nhưng đã làm tất cả để bảo vệ lớp học. Khí thế và tinh thần yêu nước từ chiến khu Mường Khói lan tỏa rộng khắp các xứ Mường. Khu di tích LSCM chiến khu Mường Khói được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. 

Ngoài ra có thể kể đến di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê thuộc xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) - nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ, ngân khố gần như trống rỗng do hậu quả đô hộ và bóc lột của chế độ thực dân. Việc in tiền phải được gấp rút triển khai, tuy nhiên chưa thể tìm được giải pháp xây dựng nhà máy in tiền cũng như địa điểm xây dựng nhà máy. Tháng 3/1946, nhận thấy đồn điền Chi Nê ở Hòa Bình có vị trí chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Tại đây, gia đình ông Thiện đã cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Chị Trần Thị Thanh Tâm, thuyết minh  viên của Ban Quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy cho biết: "Trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng, nhà máy in tiền còn hết sức đơn giản. Máy móc chưa hiện đại nên cách thức in tiền cũng rất thô sơ, khi đó tiền được in lần lượt từng màu, số sê ri, sau đó mới cắt. Các mệnh giá tiền được in gồm 100 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào. Tờ giấy bạc Việt Nam có mệnh giá lớn nhất lúc đó là tờ "100 đồng” hay còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh” của chính quyền cách mạng Việt Nam được ra đời, khẳng định vị thế và chủ quyền của dân tộc”.

Thời gian qua, các khu di tích LSCM trên địa bàn tỉnh đã thu hút du khách đến tham quan, tổ chức các buổi giáo dục truyền thống, học tập, hoạt động chính trị như: kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội... Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị lịch sử của khu di tích. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, giáo dục lòng yêu nước, biết ơn công lao to lớn của các thế hệ ông cha đã hy sinh để gìn giữ nền độc lập dân tộc.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LSCM cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Theo thời gian, cảnh quan, kiến trúc và vật liệu của di tích hư hại không còn giữ được nguyên vẹn, đồng thời, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và đô thị hóa có thể làm thay đổi cảnh quan, bản sắc văn hóa khu vực di tích. Việc duy trì, bảo tồn di tích đòi hỏi nguồn tài chính ổn định để thực hiện các hoạt động bảo quản, sửa chữa và phục hồi, tuy nhiên nguồn kinh phí còn hạn chế.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc  Sở VH-TT&DL cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích LSCM trước thực trạng hiện nay cần có những giải pháp cụ thể như: Xây dựng kế hoạch quản lý toàn diện cho mỗi di tích, bao gồm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển. Đảm bảo nguồn tài chính ổn định, bền vững để duy trì và phát triển di tích. Phát triển các hoạt động tương tác đa dạng tại di tích, như chương trình giáo dục, triển lãm, sự kiện văn hóa, giải trí. Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả quản lý, quảng bá, giới thiệu di tích, đảm bảo sự phát triển bền vững của các di tích LSCM, góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn”.


Hoàng Dương

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục