Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Đình tọa lạc trên một khu đất rộng. Theo lời kể của các cụ cao niên, đình xưa dài hơn 10m, rộng hơn 7m, cột nhà bằng gỗ tốt, sàn bương, bốn bên không bưng vách, ở gian chính giữa ngăn 2/3 về bên trên là gian thờ, có bàn thờ, lư hương, đôi con hạc… Năm 1959, vì nhiều nguyên nhân, ngôi đình bị phá bỏ, các hiện vật dần dần cũng mất theo.

Đình không còn, lễ hội đình không được tổ chức như xưa nhưng cứ đến mùng 7 tháng Giêng (khai hạ), rằm tháng 7  hằng năm các gia đình ở các xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do (Lạc Sơn) vẫn tổ chức theo quy mô nhỏ ở gia đình. 

Theo các cụ cao niên kể lại, việc tổ chức lễ hội đình Băng trước kia có nhiều nghi thức đặc sắc. Trước ngày mở hội, các chức sắc trong Mường họp bàn, phân công chuẩn bị các phần việc: mua thực phẩm, làm nhà chay, đàn chay, dọn dẹp đình; tuyển lựa các thanh niên nam, nữ chưa chồng, chưa vợ phục vụ bưng bê khi làm lễ tế thần. Các trai thanh, gái lịch trước ngày mở hội phải đi khắp Mường Khụ, đến mỗi nhà xin 3 bó lúa, đó là đi xin gạo làm oản. Đây là nghi thức bắt buộc phải có. Nhà chay - nơi tổ chức nghi lễ tế thành hoàng, cầu mát lành được làm ở bãi Đầm Chu, cách nhà đình khoảng trên 300m. Nhà chay hướng về phía mặt trời mọc, cũng là nơi đình Băng tọa lạc. Nhà chay được làm đơn giản, có hai cột chằng, lợp bằng vải, quanh nhà chay được rào bằng những thanh tre, nứa.

Trong lễ hội đình Băng, phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen chứ không tách bạch thành hai phần rõ rệt. 

Đối với phần lễ tại nhà chay: Trong nhà chay có đàn chay cao chừng hơn 1m, trên đó dọn 5 mâm cúng, mâm đặt cao hơn thờ Quốc mẫu Hoàng Bà, đồ thờ toàn đồ chay Mường, thấp hơn bên dưới là 2 mâm đặt ngang. Mâm bên trái thờ vua Ả, Vua Út; mâm bên phải thờ thần núi Vành: Vua Cun, Vua Hai - theo truyền thuyết thì hai ông là anh trai của Thánh Tản Viên, mâm này có thịt trâu, thịt lợn, cơm nếp..., mỗi mâm có 2 bát cơm, 2 đôi đũa. Chiếu ngang trên có 2 mâm thờ Tản Viên Sơn thánh, mâm dưới thờ bà mụ Kị ỷ Chí Châu, Kem cai bai vàng…, hiện chưa rõ thân thế những vị này.

Đội ngũ thầy tế gồm 9 ông Trượng, trong đó chủ tế là ông Trượng to nhất vùng. Kiệu rồng được 4 thanh niên chưa vợ khênh từ nhà ông chủ tế đình Băng ra nhà chay, khi đi đường có đoàn nhạc lễ tấu nhạc theo sau. Kiệu ra đến nơi được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà chay, ông chủ tế đầu đội mũ hình lưỡi rìu băng vải đen, mặc áo trùng đen, lưng đeo kiếm quỳ khấn mời các vị được thờ trong đình Băng về nhà chay, chủ tế gieo quẻ âm dương, nếu được liền ra hiệu cho đánh 3 hồi mõ và 3 hồi trống, còn mình cúng. Tám vị thầy Trượng đằng sau cùng đứng lên tiến hành nghi thức lạy chào. Nghi thức lạy chào ở đình Băng và ở vùng Mường này không phải quỳ bái mà phải đứng bái, không chụm tay mà những ngón tay đan vào nhau giơ ngang ra trước ngực, đưa vào đưa ra đúng 3 lần.

Sau nghi thức bái chào, các ông thầy Trượng đổi nhau cúng khấn suốt đêm cho đến sáng. Nội dung lời khấn phản ánh tâm nguyện của nhân dân trong vùng xin thần linh: Quốc mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn thánh... phù hộ cho người dân, phù trợ cho dân Mường luôn khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt, mưa thuận, gió hoà... Trong khung cảnh thiêng liêng, khi các ông Trượng đổi nhau khấn thì đội nhạc lễ luôn đổi khúc tấu nhạc. Đêm về khuya, quanh bãi làm chay người ta tổ chức chơi các trò chơi dân gian như: đánh cờ Mường, thanh niên chơi trò "đè khà" (vật nhau).

 Phần rước và lễ tại đình Băng: Sáng ra lễ làm chay kết thúc, dưới sự điều hành của chủ lễ, sau một hồi mõ, trống cùng đánh đổi, xen âm, đoàn rước có đội rước kiệu rồng đi trước, tiếp theo là ban nhạc lễ, đại diện các họ, chức sắc, dân Mường... theo sau rước kiệu từ nhà chay ra thẳng đình Băng. Đoàn rước đi ngược với chiều mặt trời lên. 

Tại đình Băng, trên bàn thờ cũng bày 5 mâm thờ tương tự như trong chỗ làm chay. Ông chủ tế làm lễ khấn ở đây chừng 15 - 20 phút. Theo sự phân công, ông Trượng cả ở lại đình, còn lại 8 ông thầy Trượng chia làm 3 tổ cùng dân Mường đi làm 3 nghi thức: Tốp đi thu dọn cây bị sét đánh, quan niệm dân gian xưa cho rằng tất cả những cây bị sét đánh thường hay có nhiều tà ma, quái dị trú ẩn, nếu không có những ông Trượng cúng, làm phép để đuổi đi chúng sẽ tác quái làm hại con người. Đây là nghi thức biểu thị khát vọng muốn làm chủ, chế ngự thiên nhiên của người Mường. Tốp đi vá lại đất ở những nơi bị sạt, lở, lún... Đây là nghi thức vái lạy đất, khôi phục lại long mạch bị đứt gãy cho đất Mường được yên vui, thịnh vượng. Tốp đi bừa vịt, chiếc bừa được làm bằng cây lồng, răng bừa làm bằng cây bương vót nhọn cắm vào. Người kéo bừa vai đeo rọ trong có 1 con vịt - tượng trưng cho con vịt kéo bừa. Đây là nghi thức tượng trưng cho việc bừa tống táng các loại ma quỷ, rác rưởi ra khỏi xóm làng.

Khi cả 3 tốp quay về đình, mọi người quy tụ cùng ăn uống vui vẻ như một bữa cơm khao cả Mường. Phần hội tiếp tục diễn ra: Lời thường, tiếng rang, hát đúm, hát đối đáp kéo dài tới khuya.

Hội tan, sớm mai dân làng lại ra đồng sản xuất với niềm tin rằng đất, rừng, cây cối, quê hương làng Mường đã trong lành, mát mẻ; những phiền muộn đã qua, con người thêm yêu lao động, yêu quê hương. 

Đình Băng - lễ hội đình Băng có sức ảnh hưởng sâu nặng trong cuộc sống người dân khu vực này. Vì vậy, năm 2009, nhân dân địa phương quyên góp tiền dựng lên ngôi nhà sàn gồm 1 gian hai trái trên nền khu đất xưa để làm nơi thờ phụng. Năm 2012, ngôi đình được chính quyền và nhân dân chung tay phục dựng, tọa lạc tại vị trí cũ. Năm 2016, UBND huyện Lạc Sơn và xã Ngọc Lâu đã phục dựng lại lễ hội đình Băng theo các nghi thức cổ truyền. Từ đó đến nay, 3 năm một lần vào ngày 14, 15 tháng 7 âm lịch, lễ hội đình Băng lại rộn ràng khai mở đáp ứng nguyện vọng của nhân dân quanh khu vực và cũng là dịp du khách được lên với xã vùng cao Ngọc Lâu, nơi có khí hậu trong lành, ẩm thực phong phú và có bề dầy truyền thống văn hóa, lịch sử.   

      Lê Quốc Khánh 
 (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục