Cán bộ xã Trung Thành, huyện Đà Bắc cùng nhau trao đổi về giá trị nhân văn thể hiện trong các tác phẩm văn hoá dân tộc Tày.

Cán bộ xã Trung Thành, huyện Đà Bắc cùng nhau trao đổi về giá trị nhân văn thể hiện trong các tác phẩm văn hoá dân tộc Tày.

(HBĐT) - Mỗi dân tộc có một tín ngưỡng riêng. Dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc cũng vậy. Tuy không theo tôn giáo nào nhưng do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo nên đồng bào người dân tộc nơi đây cũng có tập tục, tín ngưỡng thờ cúng đặc trưng, được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Đáng tiếc là một số cuốn sách cổ về các bài cúng viết bằng chữ dân tộc Tày đã bị thất lạc nhiều. Người viết bài này đã sưu tầm được một số bộ sách quý, ghi lại tương đối đầy đủ về các bài cúng của dân tộc Tày huyện Đà Bắc. Qua đó tìm thấy những giá trị nhân văn sâu sắc mà cũng rất mực gần gũi với đời thường, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

 

Dân tộc Tày vốn quan niệm: Có rất nhiều thần linh phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn, trong đó có hai vị luôn theo sát từng bước đi của người trần thế. Vị thứ nhất là Ma nhà (tiếng Tày gọi là Phỉ hươn), tức linh hồn của ông, bà, cha, mẹ… những người có cùng huyết thống với người đang sống. Vị thứ hai là Thổ công (Phỉ cháy địn), tức vị thần cai quản đất đai, nơi con người định cư và sinh sống. Xuất phát từ quan niệm đó, nội dung nhiều bài cúng hướng tới hai vị thần Phỉ hươn và Phỉ cháy địn, với bố cục tương tự như nhau: Sau khi trình bày xong lý do, xưng gọi tên tuổi, mời vị thần về ăn cỗ… thì phần lớn nội dung bài cúng tập trung vào việc cầu xin và răn dạy, đại loại như: Khuyên con người ta nên sống định cư, tập trung thành làng bản (Dù hươn khạt chặm cán, dù bán khạt chặm hông chặm sạn…); Khi làm ra của cải phải biết tiết kiệm, đề phòng lúc nguy nan bất trắc (Kháu mư khoả nha la mư sái…); Chăn nuôi trâu bò cần chú ý giữ gìn sức khoẻ cho chúng, không bắt trâu bò làm quá sức (Cắt nhá nhung hớ thậng cán nạ, nhá kha hớ thậng cán kè…); Nuôi lợn gà thì phải có nhiều lương thực để chúng sinh sôi nảy nở; Quá trình sản xuất phải đề phòng tai nạn rủi ro như rắn cắn, dịch bệnh…

 

Đặc biệt, người Tày ở Đà Bắc có tục kiêng một tháng trong năm (gọi là tục Căm pứn). Theo đó, mỗi dòng họ có tháng kiêng khác nhau. Lễ cúng rất đơn giản: chỉ cần thịt một đôi gà, trộn lẫn với rau cải rồi cho thêm ít gừng và các loại gia vị, gói lá chuối đem đồ chín. Ngoài ra cần có một túi muối và vài đồ đạc dùng trong sản xuất hàng ngày như dao, cuốc, tay nải gạo… Chuẩn bị xong, đợi đúng đến đêm ngày 30/10 Âm lịch (một số dòng họ là ngày 30/9) thì tiến hành lễ cúng. Nội dung bài cúng nói về nghĩa vụ của người đã chết phải tuân thủ luật pháp của Mường then (Mường tưởng tượng của người Tày, nơi sinh sống của người chết), ví dụ: Khi đi đường phải chấp hành luật lệ giao thông, tới nơi làm việc phải nghe lời người đứng đầu… Có thể hiểu những bài cúng trên như lời nhắn nhủ thân tình của người đang sống dành cho người đã khuất. Qua đó không chỉ thể hiện tấm lòng tưởng nhớ, tri ân, mà còn thể hiện nhân sinh quan sâu sắc, triết lý sống hướng thiện của cả một cộng đồng dân tộc.

 

Người Tày ở Đà Bắc còn có tục cúng Tết (Mọ xến). Bài cúng nghe rất sinh động, giọng cúng lúc trầm lúc bổng khiến người nghe phải dừng mọi hoạt động để tập trung theo dõi. Nội dung kể về chuyện đồng áng, mùa màng, về công việc làm ra hạt thóc, hạt gạo, đồng thời khuyên con người ta phải sản xuất đúng thời vụ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, bảo quản lương thực cẩn thận sau khi thu hoạch để khỏi bị chim, chuột phá hoại… Bài cúng còn răn dạy: Vào dịp Tết, việc săn bắt thú rừng về làm đồ cúng gia tiên phải tránh lúc chúng sinh sản; ngày Tết phải có hoa chuối rừng thái trộn với thịt thú rừng hoặc cá; rượu uống phải do con dâu trong nhà làm bằng chính hạt gạo mùa vừa thu hoạch; mọi nhà mọi người nên tạm gác công việc đồng áng để được hưởng một cái Tết trọn vẹn, an lành...

 

Với những nội dung vừa gần gũi với đời thường vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc, các bài cúng đã được nhiều thế hệ người Tày ở Đà Bắc trân trọng giữ gìn và sử dụng như những bài giáo huấn ý nghĩa của gia phong, dòng họ. Đó cũng là minh chứng thuyết phục thể hiện sức sống bền bỉ của các giá trị văn hoá cổ truyền./.

 

                                                     Lường Đức Chôm

 

Các tin khác


Xúc động gặp các cựu chiến sỹ Điện Biên trên đồi A1

Tác phẩm "Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” của tác giả Dương Vân Anh, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình là một trong 2 tác phẩm được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23 vừa tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Đây là niềm vinh dự của của cá nhân tác giả cũng như Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh.

Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục