Ông Ma Thanh Sợi

Ông Ma Thanh Sợi

Từ thị trấn Phố Ràng lịch sử, vượt qua chặng đường hơn 30 cây số quanh co uốn lượn ngược theo con sông Chảy xanh trong, chúng tôi đến xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có những bản làng người Tày với nhiều nét độc đáo giàu truyền thống văn hóa dân gian.

Chuyện nếp nhà...

 

 

 

Trên đường đi, qua chợ Vĩnh Yên cũng là lúc tan chợ, từng tốp thanh niên nam nữ người Mông, Tày xúng xính váy thổ cẩm, ô xòe sặc sỡ rời chợ trong niềm hân hoan. Đến trung tâm xã Nghĩa Đô, chúng tôi gửi xe và đi bộ tìm vào nhà nghệ nhân Ma Thanh Sợi, một người lưu giữ hồn văn hóa của dân tộc Tày vùng Nghĩa Đô này.

Cùng với các nghệ nhân văn hóa như Hoàng Sỹ Lực, Triệu Vần Quẩy (dân tộc Dao), Hoàng Thị Cứ (dân tộc Tày), Hoàng Chúng (dân tộc Mông) Lý Ngọc Sáng (dân tộc Xa Phó)… ông Ma Thanh Sợi là một trong những điển hình trong việc bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Lào Cai.

Hiện tại, cùng với việc tham gia hoàn thành tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên, ông Ma Thanh Sợi đang sưu tầm 12 chuyên đề về vùng đất Nghĩa Đô (các địa danh tên gọi, tập quán trong việc cưới, việc tang lễ hội, văn hóa làm nhà, dựng nhà sàn, ẩm thực...).

Đến nay, ông Sợi đã sưu tầm, ghi chép được hơn 300 câu tục ngữ, thành ngữ trong hệ thống văn hóa dân tộc Tày. Trong đó, chủ yếu là kinh nghiệm trong cuộc sống và răn dạy con người về truyền thống gia đình, sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước. Ông Sợi còn đang sưu tầm, nghiên cứu “vần lửng” trong ngôn ngữ của người Tày mà theo ông là một nét độc đáo của tiếng Tày ở Nghĩa Đô.

Ngay những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô cũng là một nét văn hóa độc đáo, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, để hôm nay trở thành nét đẹp trong văn hóa bản làng. Hầu như ở Nghĩa Đô gia đình người Tày nào cũng làm nhà sàn và giữ nguyên cách dựng nhà theo kiểu truyền thống. Có lịch sử hàng mấy trăm năm, trải qua nhiều kiểu nhà sàn, từ nhà lều đến nhà nửa sàn, nửa đất, đến nhà sàn 4 chân và bây giờ là nhà sàn 6 hàng chân. Thông thường, mỗi bản làng ở Nghĩa Đô có năm đến sáu chục nóc nhà sàn, tạo thành bản văn hóa.

Ông Sợi cho biết, bản Rịa đã dựng xong nhà văn hóa và đưa chúng tôi đến thăm. Nằm bên đỉnh núi Khau Rịa, dưới chân là con khe cũng mang tên là khe Rịa đổ ra suối Nậm Luông, ngôi nhà văn hóa của bản thật khang trang. Với thắc mắc tại sao tên bản, tên núi, tên suối khe đều có tên là “Rịa”, ông Sợi giải thích: Rịa tiếng Tày là cây nứa. Xưa kia nơi này cả một vùng bao la là nứa, người dân lập bản lấy tên và lâu dần gọi thành tên bản, tên núi...

... và miếng ăn, cái mặc

Vợ ông Sợi, bà Hoàng Thị Định, đã ở vào tuổi 64 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Bà mang ra giới thiệu với khách những tấm thổ cẩm vừa dệt xong, khoe rằng đây là dệt chuẩn bị cho con gái lấy chồng. Truyền thống của người Tày là vậy, để làm chăn, làm gối cho con mang về nhà chồng. Rồi bà mang chiếc chăn thổ cẩm mà ông bà đã đắp từ ngày bà sống với ông ra giới thiệu. Những tấm thổ cẩm hoa văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Ông Sợi giải thích: 12 mẫu hoa văn của thổ cẩm là tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 12 con giáp. Khác với thổ cẩm của người Tày nơi khác hay một số dân tộc thiểu số Mông, Dao, Giáy… thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô dệt trên nền vải trắng (nơi khác nhuộm chàm). Chăn thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô có 2 mặt, một mặt thổ cẩm màu sắc, còn mặt kia là màu trắng. Theo quan niệm từ thời cha ông, chăn làm theo ý nghĩa nhân sinh quan, khi còn sống thì đắp mặt thổ cẩm quay lên trên, khi trở về cõi vĩnh hằng thì quay mặt thổ cẩm xuống dưới, đó là một nét phong tục rất riêng của đồng bào Tày nơi đây.

Được biết, sang năm huyện Bảo Yên tổ chức tuần văn hóa du lịch, Nghĩa Đô cũng được chọn là một điểm đến trong hành trình du lịch khám phá bản làng văn hóa. Nên người dân trong bản đang làm thổ cẩm và các sản phẩm từ thổ cẩm để làm quà lưu niệm khi khách du lịch đến thăm bản làng nơi đây.

Thổ cẩm của người Tày ở bản Khau Rịa.

Không chỉ đam mê với vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình, ông Sợi còn sưu tầm, ghi chép tìm hiểu những món ăn dân dã trong văn hóa ẩm thực của người Tày nhằm bảo tồn những món ăn độc đáo mang hồn quê như: rêu đá, cá suối, nộm rau bợ, xôi ngũ sắc, măng chua… Là một người gắn bó nơi vùng đất Nghĩa Đô, dưới chân núi Khau Rịa cao vời vợi, ông Sợi còn sáng tạo ra những đệm phoi bào dựa trên sản phẩm gỗ quế do gia đình trồng được. Ông cho chúng tôi xem 4 chiếc đệm bằng phoi bào quế vừa mới hoàn thành, dựa trên cách thức làm đệm bông lau của người Tày. Qua bàn tay khéo léo, chiếc đệm phoi bào quế vừa êm, vừa có mùi thơm rất dễ chịu. Loại đệm này rất độc đáo, dùng được cả 4 mùa, rất phù hợp với kiểu trang trí nhà sàn truyền thống. Hiện tại, ông Sợi đang làm và dùng thử, nếu được sẽ phổ biến cách làm cho bà con trong bản cùng làm để cung cấp cho thị trường làm hàng hóa phục vụ du lịch.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sợi cho biết, những người già hiểu biết về phong tục tập quán người Tày trong bản Rịa như ông không nhiều, đếm lui đếm tới cũng chỉ còn chưa đến chục người. Do đó, việc ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như mọi người vẫn nói về ông là có lý. Theo ông, nếu không gìn giữ văn hóa bản sắc cho đời sau là có lỗi với cha ông mình. Nên dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài tìm trong vốn cổ để bảo tồn gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc Tày. Cũng chính vì vậy mà trong quá trình sưu tầm những giá trị văn hóa, ông luôn nhờ con gái út Ma Chiu Sa chép hộ những câu văn, lời hát dân gian cho mình cũng mong con gái sẽ thừa hưởng được “đam mê” ấy.

 

                                                                              Theo SGGP

Các tin khác


Xúc động gặp các cựu chiến sỹ Điện Biên trên đồi A1

Tác phẩm "Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” của tác giả Dương Vân Anh, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình là một trong 2 tác phẩm được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23 vừa tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Đây là niềm vinh dự của của cá nhân tác giả cũng như Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh.

Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục