Hai thế hệ diễn viên trao đổi bên lề hội thảo (từ trái qua: diễn viên Hiền Mai, Thùy Vân, Thùy Liên).

Hai thế hệ diễn viên trao đổi bên lề hội thảo (từ trái qua: diễn viên Hiền Mai, Thùy Vân, Thùy Liên).

Vấn đề nâng cao chất lượng sáng tác điện ảnh luôn nhận được sự quan tâm của những người làm công tác điện ảnh. Với hai nội dung “khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ”, cuộc hội thảo do Hội điện ảnh VN tổ chức sáng 10-3 tại TPHCM đã thu hút nhiều nghệ sĩ, diễn viên tham gia...

Thiếu hơi thở cuộc sống

Là diễn viên có không ít vai diễn cả ở lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình, bài tham luận “Điện ảnh là tấm gương phản chiếu cuộc sống” của Hiền Mai gây được sự chú ý: “Cuộc sống đôi khi cũng nghiệt ngã và tàn nhẫn như cuộc đời của người đàn bà đi mót từng hạt cà phê bỏ rơi để kiếm sống và bị kẻ giàu vô tư thả chó cắn chết. Đó là mảnh đất để người nghệ sĩ lao vào sáng tác, tạo nên những tác phẩm, kịch bản phim để đời. Người nghệ sĩ phải là người có trách nhiệm làm cho điện ảnh trở thành tấm gương phản chiếu cuộc sống một cách trung thực nhất, không e dè, không sợ hãi. Tuy nhiên, trung thực nhưng không trần trụi mà phải biết chọn lọc”.

Diễn viên Hạnh Thúy cũng trăn trở về ý thức của người nghệ sĩ với danh hiệu cao đẹp mà mình đang mang. Cô nói: “Điểm nhấn của các phim hiện nay không phải là cốt truyện mà là sự tung hứng của các diễn viên. Xem phim nào cũng thấy các nhân vật na ná nhau. Diễn viên có thể từ chối vai nhưng chúng tôi chỉ có thể từ chối vài ba phim chứ không thể từ chối tất cả vì chúng tôi còn phải sống”.

Bằng nhãn quan của một nhà báo, bà Ngô Ngọc Ngũ Long kêu gọi trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ “trước các biểu hiện tiêu cực trong xã hội”. Theo bà Ngô Ngọc Ngũ Long, điện ảnh Trung Quốc có “Sự lựa chọn sinh tử”, Hàn Quốc có “Phía đông vườn địa đàng” nhưng dường như điện ảnh Việt Nam vẫn còn bỏ trống trận địa này…

Quá nhiều trăn trở với phim truyền hình

“Xuất hiện ồ ạt nhưng tiếp xúc với một số khán giả, họ phản ánh rằng các bộ phim truyền hình hiện nay vẫn xa lạ với cuộc sống. Khán giả VN đang khao khát những bộ phim hay, thèm coi những phim mà đến kết thúc phim vẫn cảm thấy tiếc nuối. Riêng chúng tôi thèm có một nền điện ảnh để có thể hãnh diện” - diễn viên Hạnh Thúy nói.

Là người gắn bó với việc sản xuất phim truyền hình nhiều năm qua, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS, nêu ra thực trạng: có khi cùng một kịch bản lại được bán cho hai đài khác nhau (chỉ sửa tên phim, tên nhân vật) và cả hai đài đều được đưa vào sản xuất! Rồi việc các đạo diễn cẩu thả dẫn đến việc xuất hiện quá nhiều chi tiết phi lý trên phim; nhiều nhà sản xuất chỉ có tiền mà không có nghề; đang phổ biến tình trạng nhà phát hành bất chấp chất lượng sản phẩm, tác phẩm nào làm ra cũng mua, cũng nghiệm thu…

Cũng bức xúc về chất lượng phim truyền hình nhưng nhà báo Tô Hoàng lại nghiêng về một góc nhìn khác: Đầu ra cho sinh viên khoa đạo diễn trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Ông thống kê: Mỗi năm trường đào tạo khoảng 50 sinh viên, tính ra trong vòng 5 năm trở lại đây có khoảng 200 sinh viên ra trường nhưng thực tế số đạo diễn trẻ được giao làm phim chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó nhân lực làm phim lại thiếu trầm trọng!

Vẫn nhiều kỳ vọng...

Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, giải pháp cho hiện trạng đạo diễn trẻ mới ra trường không tìm được “đất dụng võ” là Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh TPHCM mỗi năm cần làm một số phim 1-2 tập và mời các đạo diễn trẻ mới ra trường thực hiện để họ có cơ hội “chào hàng” năng lực của mình.

Nhà báo Tô Hoàng cũng đề xuất: “Để giải quyết việc đào tạo và sử dụng sinh viên các trường nghệ thuật, nhà nước phải chấp nhận bỏ kinh phí đầu tư nuôi dưỡng, khai mạch để làm nảy nở những tài năng, diện mạo mới. Chương trình “Giờ vàng” dành cho phim truyền hình VN nên dành thời lượng cho những tìm tòi, khám phá của các đạo diễn trẻ”.

Để nâng cao chất lượng phim truyền hình, theo ông Việt Hùng, đòi hỏi thái độ và trách nhiệm của các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà phân phối. Mỗi người cần phải có tự trọng nghề nghiệp đối với sản phẩm mình làm ra.

“Nhà nước vẫn cần đầu tư cho điện ảnh. Bản thân ngành điện ảnh cũng phải tự hâm nóng mình. Giá như nhà nước đầu tư để cho đạo diễn, diễn viên ra nước ngoài học hành bài bản thì tương lai điện ảnh VN sẽ sáng sủa hơn” - NSND Thế Anh chuyển đến hội thảo một tâm sự như một sự kỳ vọng.

Ngày Điện ảnh năm nay (15-3-1953 - 15-3-2010) được tổ chức ở khắp các địa phương trong cả nước với những buổi chiếu phim miễn phí, tọa đàm, hội thảo, giao lưu với nghệ sĩ.

Tại TPHCM cũng sẽ diễn ra hoạt động chiếu phim miễn phí với những bộ phim tiêu biểu cho các thời kỳ điện ảnh Việt Nam tại các rạp Thăng Long, Fafilm cinema, Cinebox, Tân Sơn Nhất trong 3 ngày 13, 14, 15-3. Đỉnh cao của đợt hoạt động này là lễ trao giải Cánh diều của Hội điện ảnh sẽ diễn ra vào tối 15-3 tại Hà Nội…

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


Xúc động gặp các cựu chiến sỹ Điện Biên trên đồi A1

Tác phẩm "Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” của tác giả Dương Vân Anh, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình là một trong 2 tác phẩm được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23 vừa tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Đây là niềm vinh dự của của cá nhân tác giả cũng như Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh.

Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục