Một cảnh trong phim Dù gió có thổi, một trong ít bộ phim truyền hình được khá nhiều khán giả yêu thích vì tính chân thật của lời thoại.

Một cảnh trong phim Dù gió có thổi, một trong ít bộ phim truyền hình được khá nhiều khán giả yêu thích vì tính chân thật của lời thoại.

Người hài hước bảo rằng nhân vật trong phim Việt lắm mồm, vì dân xứ ta cũng y chang. “Rượu nhạt uống lắm cũng say, lời khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Nói khôn còn vậy, huống chi là nói kiểu phim Việt.

Trong phim Việt, lời thoại cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, từ đầu đến cuối phim, nhân vật nào cũng nói là chính, chứ không hành động gì mấy. Và dù có tầm quan trọng như thế, nhưng lời thoại thường vẫn… chán toàn tập!

Từ kịch đến tấu hài

Lỗi phổ biến trong nhiều phim Việt từ Bắc chí Nam là lời thoại mang màu của kịch. Lời thoại của nhân vật ngay từ kịch bản, đã y như một… bản kịch. “Cuộc đời đẹp đẽ lắm, em phải tận hưởng cái đẹp của nó. Người ta sống là phải yêu thương nhau thật lòng, không thật lòng thì không phải là cuộc sống”. Cái mô-típ thoại vừa nói đã trở thành công thức về sự sáo rỗng và không có cá tính trong phim xứ ta.

Phim Việt dĩ nhiên vẫn là phim, nhưng nó cứ “kịch cọt” giả giả thế nào ấy. Không hiếm gặp hai, hoặc một nhóm nhân vật ngồi quây xung quanh một cái bàn, và bắt đầu triết lý. Từ những tình tiết bé tí, họ khai triển thành nhưng chủ đề và luận lý cao siêu, nhưng chả ăn nhập gì với mạch phim. Có cảm giác, tác giả kịch bản cho nhân vật nói nhiều chỉ để khoe chữ, hoặc lấp chỗ trống (thay vì hành động kiểu điện ảnh).

Do vậy, sự chờ đợi của khán giả về kịch tính trong phim đã được đáp lại nhạt nhẽo bằng tính kịch sân khấu. Ngôn ngữ khô cứng, khiên cưỡng kiểu “cuộc đời đẹp đẽ lắm” kể trên đã được nhân bản như cừu Dolly ra nhiều phim. Thật khó nuốt trôi, khi từ nhân vật nông dân, sinh viên, bà nội trợ đến cán bộ hoặc kẻ cướp trong phim đều sẵn sàng hô khẩu hiệu nghe rất mệt lỗ tai. Nhân vật cứ nói bằng phong cách của văn viết, dù nghe trơn tru nhưng cảm giác như là nghe nói ngọng.

Có những nữ diễn viên xuất hiện từ phim này đến phim kia với cùng một kiểu vai, cùng một cách thoại, lúc nào cũng đều đều ỉu xìu. Xem phim, khán giả tự hỏi đó là vai khác, lời thoại khác hay vẫn chỉ y khuôn giống như bánh tráng?

Một kiểu gượng ép biến thái khác là mang ngôn ngữ và diễn xuất tấu hài “không mắc tiền” vào lời thoại phim. Nhân vật cứ cố trợn mắt khuỳnh tay rồi nói qua nói lại kiểu cù lét. Hoặc bỗng dưng họ ra vẻ tức giận kiểu kịch rồi chửi thề ỏm tỏi mà không có cơn cớ gì. Hẳn là không thể tránh nói rằng có những lời thoại cù lét thô tục và kém cỏi, bậy bạ chỉ nhằm mục đích chọc cười hềnh hệch rẻ tiền.

Bắc, Nam và… Tây

Do đặc trưng vùng miền, giọng Bắc và giọng Nam trong lời thoại của phim xứ ta là chuyện luôn bị soi. Không hiếm bối cảnh là trong Nam, nhân vật là người Nam, mà đối thoại của họ lại là “Anh trai đi đâu đấy” hoặc “Cái này là của nhà trồng được”. Cho nói năng kiểu ấy thì có khác gì chuyện nhân vật là người Bắc hẳn hoi, mà mời cơm khách lại bảo “Ráng ăn ba hột rồi về”. Nguyên nhân của những cục sạn to như quả cam này có thể là do tác giả kịch bản là người miền ngoài, không am hiểu tiếng nói, sinh hoạt của người miền trong; hoặc ngược lại. Nói một cách khác, lời thoại được đặt trong mồm nhân vật nhưng luôn được “giũa” cho vừa khuôn mẫu hạn hẹp của tác giả. Nhưng nếu vậy thì chẳng lẽ làm phim là cho chính tác giả coi thôi sao?

Tương tự, là chuyện lồng tiếng. Có lẽ vì số người lồng tiếng trên cả nước không nhiều lắm, nên dù nhân vật là ai, giọng và nội dung lời thoại của họ cứ nhang nhác nhau. Và tra về nguồn gốc tiếp, thì những lời thoại được lồng này lại thật gần văn chương sách vở. Văn chương thì hay, nhưng cứ chép rồi phô-tô dán đại vào mồm nhân vật như thế vào phim thì làm sao mà không chán?

Lại nữa, chắc là do sợ khán giả (hay cả đồng nghiệp nữa?) đánh giá mình kém ngoại ngữ, nên bây giờ có khá nhiều “xen” nói tiếng Anh. Chẳng có cơn cớ gì, nhân vật cũng “thanh-kiu” hoặc khen nhau “gút lắm”. Hoặc có tình tiết nhân vật rút điện thoại ra, thương thảo hợp đồng vài câu toàn bằng tiếng Việt xong rồi quay qua giải thích: “Thằng cha Tây này nó vừa qua, nó chỉ biết nói tiếng Anh”. Chẳng hiểu thế là thế nào.

Khán giả chán quanh năm

Sau bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”, người ta hay lấy “bỗng dưng” để ghép vào nhiều thứ. Nhưng với cái chán khi nghe lời thoại trong phim Việt, không thể bảo “bỗng dưng phát chán”, bởi nó chán quanh năm.

Khán giả bực bội, vì họ thường có cơ hội xem phim Hollywood, phim Hàn… dù là xem trên truyền hình hoặc đến rạp mua vé. Không ít phim Mỹ, Hàn trở thành những ví dụ để so sánh trực tiếp về lời thoại với phim Việt. Thậm chí, cả tiếng chửi thề trong phim ngoại thường cũng rất đắt, vì xuất hiện có lý do.

Còn nếu không so với ngoại để đỡ tủi, thì ngay việc so với những phim “ta rặt” đã chiếu trong quá khứ, khán giả cũng nhận ra sự cách biệt về trình độ làm phim để ước ao: Bao giờ cho đến ngày xưa. Những “Cánh đồng hoang”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến mười bảy - ngày và đêm”… đều có lời thoại mộc mạc, bình dân nhưng tạo rung động, xúc cảm. Bởi những lời ấy thật quá, đời quá.

“Người Việt xem phim Việt” không phải là khẩu hiệu. Dĩ nhiên là khán giả luôn sẵn lòng “về tắm ao ta”, xem phim nội với sự ưu ái. Nhưng họ không thể sống bằng quá khứ. Nếu cứ phải cố gắng chịu đựng để xem và nghe lời thoại trong phim Việt hiện đại, họ sẽ trở thành ngố. Cách tránh ngố hữu hiệu phải chăng là cứ gặp phim Việt là chuyển kênh, tắt ti-vi lập tức? Hoặc nếu muốn vừa có cái xem, vừa đỡ bực mà dễ buồn ngủ, thì cầm remote chuyển ti-vi sang chế độ “câm”?

                                                                           Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục