Âm nhạc giúp cả người đang thi hành công vụ lẫn những người đang chịu án thơi thảnh tâm hồn. Đó là cảm nhận của chúng tôi sau hai đêm theo dõi chương trình "Tiếng hát tình đời" tại Trại giam Phú Sơn 4.

 

Nếu không ở Phú Sơn 4, không trực tiếp xem họ diễn trên sân khấu, không len lỏi vào phần hậu đài, chúng tôi thật khó tin lại có sự thân tình đến thế. Trên sân khấu, chẳng ai phân biệt được đâu là cán bộ, đâu là phạm nhân. Tất thảy họ đều hoá thân thành diễn viên, ca sỹ, nhạc công. Những lời ca, điệu múa, vở kịch mà họ thể hiện đều chứa chan niềm tin yêu vào cuộc sống.

Bên cánh gà sân khấu, chúng tôi gặp lại chị Văn Thị Yến, người đàn bà tài hoa và nhan sắc, vợ nguyên Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về chuyện đời của chị nên phần nào hiểu được nỗi niềm của người đàn bà này. Chị Yến đảm nhận việc quản đội quân đi thi và xem văn nghệ của Phân trại K2. Những người phụ nữ này đều trong đồng phục áo kẻ sọc, song khuôn mặt được chăm chút kỹ lưỡng từ nét môi, viền mắt đến đôi má tô hồng... Thế rồi loáng một cái, "quân" của chị Yến đã thay váy áo sặc sỡ đủ màu.

Nữ phạm nhân trẻ tên Thu, một trong các "hoa hậu" hôm nay diện bộ váy cách điệu bộ áo tứ thân của phụ nữ đồng bằng Bắc bộ thuở xưa. Thu đeo kính trắng, xinh xắn lạ thường. Hỏi chuyện, cô gái cười tươi cho biết, cô tham gia phần múa. Sau này, khi xem Thu múa trên sân khấu ở vị trí trung tâm, tôi mới thấy hết sự nhuần nhị, duyên dáng của cô gái đang tuổi 20. Thu trẻ, đẹp và hồn nhiêu yêu đời đúng như lứa tuổi của cô chứ không âu sầu như ai đó nghĩ về cuộc sống trong trại giam.

Tùng "lò gạch", biệt danh của phạm nhân Nguyễn Xuân Tùng, nhà ở phố Quán Sứ tươi cười, háo hức nhờ tôi chụp ảnh. Lúc thì trang phục của chàng trai Tây Nguyên, khi thì của người thanh niên tân thời, trông Tùng vui vẻ, hoạt bát rất đáng mến. Nhìn lại thời điểm 6 năm về trước, Tùng cùng đồng phạm tổ chức liền mấy vụ cướp xe Dylan, @. "Tuổi trẻ, ngông cuồng lại đua bạn bè nên em mới làm khổ bố mẹ. Bây giờ vào đây hối hận lắm, em luôn vui vẻ để cải tạo tốt và được ra trại sớm", Tùng nói.

Khi xem tiết mục "Những chàng trai của núi" có Tùng tham gia, tôi đặc biệt bị thu hút bởi sự hoá thân nhiệt thành của cậu. Từ lời hát, động tác ở Tùng đều toát lên vẻ tự tin. Sự tự tin này thật đáng quý bởi ở dưới sân khấu là sự hiện diện của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Ban giám thị, CBCS và hàng trăm phạm nhân. Tôi thầm nghĩ, nếu bố mẹ Tùng xem được cảnh này, hẳn họ sẽ yên lòng về cậu con trai đã nhận rõ lỗi lầm.

Xem cán bộ, phạm nhân, đoàn viên đoàn thanh niên các xã lân cận cùng đứng chung một sân khấu, cùng nhau thực hiện màn ca múa nhạc "Nét vẽ rồng thiêng", tôi có một cảm xúc thật khó tả. Ở một cuộc thi văn nghệ quần chúng, lại diễn ra ở nơi mà không ai muốn bước vào, ý nghĩa của nó càng nhân lên gấp bội. Giá trị nhân văn, quyền con người là ở đây. Đó chính là giá trị tinh thần to lớn mà các đồng chí Cảnh sát trại giam mang đến cho những người đang phải trả giá cho hành vi phạm pháp của mình.

Nhạc sỹ Văn Dung trao thưởng cho cán bộ và phạm nhân đoạt giải.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại giam cho chúng tôi biết, đây là lần thứ 8, chương trình "Tiếng hát tình đời" được tổ chức. Các phạm nhân với khả năng văn nghệ của mình và của những người cùng đội rồi đề xuất lên các phân trại. Cán bộ phân trại bố trí công việc phù hợp để các thành viên đội văn nghệ có điều kiện tập luyện. Ban Giám thị cũng mời các dàn nhạc, biên đạo múa, đạo diễn về tận các phân trại dàn dựng. Trước khi đem ra thi ở toàn trại, tại các phân trại đều biểu diễn để phạm nhân "duyệt". "Ý nghĩa tinh thần của chương trình này rất lớn nên chúng tôi duy trì đều đặn 2 năm một lần. Nó là sự gắn kết giữa những người làm công tác cải tạo giam giữ với những người đang thi hành án", đồng chí Trường nói.

"Cuộc thi nào cũng có giải nhưng với cuộc thi này, tôi nghĩ rằng sự thắng thua không có ý nghĩa nhiều bằng cái tình. Người ta cho nhau, trao nhau cái tình, cho nhau niềm tin yêu và hy vọng, đó mới là vốn quý", nhạc sỹ Văn Dung, Trưởng ban Giám khảo cho biết cảm nhận của ông.

Còn phạm nhân Phương, phân trại K4, người phụ nữ ngoại tứ tuần, song vẫn hết mình với những điệu múa thì vui vẻ cho biết: Chị được theo học múa chuyên nghiệp từ lúc lên 10. Thế nhưng do mưu sinh, chị bỏ nghề múa để đi buôn. Và sai lầm của chị chính là buôn... ma tuý. Những tưởng sẽ chẳng bao giờ được lên sân khấu, được thả cảm xúc vào giai điệu của âm nhạc, lời ca, vậy mà khi vào đây, chị lại được sống lại với đam mê thuở nhỏ của mình. Nghe chị Phương bộc bạch, chúng tôi càng thấm thía giá trị tinh thần mà cuộc thi văn nghệ quần chúng này mang lại.

Tôi xin kết bài viết này với lời ca da diết của phạm nhân Đỗ Hồng Kiên, người vừa viết nhạc, vừa đệm đàn cho bài hát "Về với lời ru" để nói lên nỗi lòng, khát vọng của riêng anh và của cả những người cùng cảnh ngộ: "Nay tôi trở về sau lần lầm lỗi. Nay tôi trở về sau vấp ngã, lòng mẹ đau". Vâng! Rồi anh sẽ trở về. Trở về để làm lại cuộc đời bởi không bao giờ là quá muộn nếu như người ta muốn bắt đầu

 

                                                                              Theo CAND

Các tin khác


Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục