Giải quyết được vấn đề bức thiết về cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách cho hoạt động biểu diễn, giúp cho nghệ sĩ yên tâm lao động sáng tạo thì sẽ khắc phục tình trạng bát nháo trong hoạt động biểu diễn

 

Sau gần 8 năm bị bãi bỏ, thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn lại được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đề nghị Chính phủ cho phép được cấp lại như một biện pháp quản lý tốt hơn đối với các hoạt động biểu diễn đang rơi vào tình trạng lộn xộn. Trong buổi làm việc về hoạt động biểu diễn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tại Sở VH-TT-DL TPHCM, vấn đề cấp giấy phép hành nghề cho nghệ sĩ đã gây không ít tranh cãi. Bởi lập lại quy trình này không chỉ các nghệ sĩ băn khoăn mà ngay trong nội bộ các nhà quản lý văn hóa cũng có không ít những ý kiến trái ngược.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đến thăm và làm việc với
 Sân khấu Kịch Phú Nhuận đang “tạm trú” tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận
 
Vấn đề không ở thẻ hành nghề
 
Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT-DL) từng tổ chức cấp giấy hành nghề cho các nghệ sĩ biểu diễn từ năm 1999 nhưng chỉ tồn tại hình thức và đã bị bãi bỏ vào năm 2002 như một loại giấy phép con. Thế nhưng có một số ý kiến ủng hộ việc cấp lại thẻ hành nghề cho rằng đó là việc nên làm trong đời sống biểu diễn “vàng thau lẫn lộn” hiện nay, ai cũng có thể đứng trên sân khấu, trở thành “nghệ sĩ”. Những người ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề cho rằng thẻ hành nghề ít nhất cũng làm cho các nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp; góp phần giải quyết sự lộn xộn của hoạt động biểu diễn hiện nay...
 
Với góc độ nhà quản lý chuyên ngành ở địa phương, ông Võ Trọng Nam,  Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT-DL TPHCM, tỏ ra băn khoăn: “Nếu chúng ta lập lại quy trình cấp thẻ hành nghề hiện nay sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Liệu như vậy có gây nên phiền phức cho nghệ sĩ, bởi đại đa số họ đều được đào tạo bài bản thì việc được hành nghề có thể xem là đương nhiên. Thực chất, đối tượng mà các nhà quản lý muốn nhắm đến khi đề cập đến việc tái cấp thẻ hành nghề chính là số lượng nghệ sĩ hoạt động độc lập, nhằm loại bớt những người không có khả năng thực chất nhưng với đủ mánh khóe để được hoạt động biểu diễn. Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý sẽ xây dựng tiêu chí như thế nào để sàng lọc”.
 
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, phân tích: “Việc thẩm định về chuyên môn để cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ có vẻ là một nhiệm vụ hơi quá sức với đội ngũ quản lý văn hóa ở nhiều tỉnh, thành. Nếu như họ đủ năng lực để thẩm định thì đã không để lọt lưới hàng loạt sai phạm trong các chương trình biểu diễn tại địa phương như nhiều năm qua. Băn khoăn cuối cùng vẫn là nguy cơ “hòa cả làng” khi cấp thẻ và ban hành quy chế nhưng khâu hậu kiểm và việc thực hiện chế tài, xử phạt đều bị bỏ ngỏ. Kể từ ngày 1-9-2010, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 12-7-2010) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa sẽ có hiệu lực thi hành, thay thế các quy định không còn phù hợp trước đây. Đây chính là hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn hoạt động này. Trước mắt, Quốc hội chưa đặt vấn đề tái cấp phép hành nghề đối với nghệ sĩ”.
 
Chưa quan tâm, đầu tư đúng
 
Trong buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội với Sân khấu Kịch Phú Nhuận và Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, hầu hết ý kiến đều xoay quanh nỗi băn khoăn mà NSƯT Hồng Vân đặt ra, đó là cơ sở hạ tầng cho khối biểu diễn. NSƯT Hồng Vân thẳng thắn: “Thử nhìn lại 35 năm qua, tại TPHCM, chỉ có mỗi Nhà hát Hòa Bình là được xây mới, còn lại các rạp hát xuống cấp, trở thành những công trình khách sạn, nhà hàng liên doanh, có nơi bỏ trống rất lãng phí. Sân khấu hình thành tự phát, chen lẫn trong các khu dân cư. Trong khi ở các nước khác, các công trình dành cho nghệ thuật đều xây dựng những cụm rạp, nhà hát, bảo tàng hiện đại theo dạng quần thể văn hóa riêng biệt.
 
Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng như các sân khấu xã hội hóa (XHH) khác, ngoại trừ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, đều phải thuê mặt bằng, cải tạo thành sàn diễn và cũng phải chịu thuế 25% trên tổng doanh thu. Chúng tôi đang hướng đến khai thác sân khấu du lịch nhưng thiếu mặt bằng. muốn hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi nhưng không có điểm diễn cố định. Tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, có mùa sàn diễn kịch phải ngưng hoạt động gần một tháng để trả mặt bằng cho các hoạt động phong trào của quận”.
 
Ông Nguyễn Đăng Chương,  Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VH-TT-DL, thừa nhận: “Sân khấu XHH tại TPHCM sinh ra thị trường biểu diễn nhưng nó lại sống khắc nghiệt ngay trên mảnh đất màu mỡ mà mình tạo ra. Sân khấu XHH hoạt động hiệu quả hơn khối các đoàn nghệ thuật công lập nhưng nó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước”. Ông Chương đưa ra ba đề nghị với đoàn giám sát của Quốc hội: “Cần đẩy mạnh XHH toàn diện hoạt động biểu diễn. Cả nước có 129 đơn vị nghệ thuật công lập, kinh phí đầu tư hằng năm lãng phí vô cùng; phải thực thi các chế độ chính sách cho các đơn vị sân khấu XHH mà cụ thể nhất là cơ chế Nhà nước đặt hàng cho các đơn vị XHH dàn dựng những tác phẩm đỉnh cao”.
 
Nhiều ý kiến cho rằng giải quyết được vấn đề bức thiết về cơ sở hạ tầng cho hoạt động biểu diễn sẽ giúp cho nghệ sĩ yên tâm lao động sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì sẽ khắc phục tình trạng bát nháo trong hoạt động biểu diễn như hiện nay.

Còn nhiều bất cập trong quản lý

 
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, trưởng đoàn giám sát, phát biểu: “Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý, cơ chế chính sách ưu đãi cho khối biểu diễn trong cả nước mà Quốc hội cần lắng nghe để đề nghị Chính phủ điều chỉnh. Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, nhanh chóng điều chỉnh những bất cập trong việc quản lý và cơ chế chính sách đối với khối biểu diễn”.

 

                                                                                 Theo NLĐ

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục