Hình ảnh trong DVD hài Cười xuân Nam Bắc.

Hình ảnh trong DVD hài Cười xuân Nam Bắc.

Có lẽ chưa năm nào thị trường băng đĩa hài phía Bắc nhộn nhịp như năm nay. Không phải chờ năm hết Tết đến mới tung ra đĩa hài mà từ tháng 9, rồi tháng 12, nhiều sản phẩm hài đã xuất hiện. Thế nhưng, xem một vài đĩa hài thì ôi thôi, vẫn “lẩu thập cẩm” như các năm trước và quảng cáo không những xen ngang, xen ngửa mà còn lồng ghép vào nội dung phim một cách thô lỗ và gượng ép.

Hài hay ăn nói lăng nhăng

Thị trường băng đĩa hài năm nay vẫn do những nhà sản xuất quen mặt chiếm lĩnh. Hồ Gươm Audio tung ra hai đĩa hài: Tết cười và Cười xuân Nam Bắc. Dịp Noel, đơn vị này cho ra mắt bộ đĩa hài Đại gia chân đất với hai cây hài chủ chốt Trung Hiếu và Quang “tèo”.

Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long năm nay mời Thái Hòa từ phía Nam tham gia bên cạnh các gương mặt quen thuộc: Hoài Linh, Hồng Vân, Quốc Anh… với hai chương trình Tết cười và Cười xuân Nam Bắc. Hiệp “gà” lần đầu tham gia tiểu phẩm hài của hãng này.

Công ty NCV của diễn viên Vượng “râu” năm nay không dùng thương hiệu Cười cái sự đời như các năm trước mà “đổi món” thành Mr Vượng râu và Bắc Nam cùng cười quy tụ nhiều gương mặt hài nổi tiếng của xứ Bắc: Quốc Khánh, Minh Vượng… rồi  cả “nữ hoàng dance sport” Khánh Thi, MC Việt Nga và lặn lội vác máy quay sang Trung Quốc... quay trộm đến nỗi bị cảnh sát bên đó bắt vào đồn.

Có những tên tuổi đạo diễn và cả nhà sản xuất đều “mới toe” bước vào làng đĩa hài Tết. Đạo diễn trẻ Tạ Huy Cường làm đĩa hài Thị sát trần gian cho Công ty New Style Media. Câu chuyện vẻ như hao hao những màn Táo quân trên VTV với nhân vật chính xuyên suốt ba tiểu phẩm là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu du ngoạn xuống trần gian…

Thế nhưng, dường như một số tiểu phẩm hài chẳng có kịch bản mà diễn viên diễn tùy hứng, nói năng tùy tiện, đến mức trên Youtube,  có bình luận: “Hài là cách ăn nói lăng nhăng vô suy nghĩ” sau khi xem đĩa Tiến Tùng… túng tiền! Trên generic của nhiều tiểu phẩm, đạo diễn kiêm luôn diễn viên và nhiều chức danh khác, như đạo diễn B.T vừa viết kịch bản, giám đốc sản xuất, nhà đầu tư, kiêm diễn viên chính. Những ai đã xem các tiểu phẩm B.T tham gia đạo diễn và viết kịch bản các năm trước như Khôn ở phố ngố ở quê, Mẹ vợ sợ con rể, Cười cái sự đời, Trên từng cây số... sẽ hình dung chất lượng và bộ mặt của các VCD hài có anh tham gia năm nay sẽ ra sao (!). Chưa hết, diễn viên C.T thường diễn tiểu phẩm và clip đi kèm đều do “ca sĩ” này thể hiện, giống y chang kết cấu đĩa hài Tết năm trước: tiểu phẩm + clip ca nhạc.

 “Đè ngửa” phim để… nhét quảng cáo

Không ngoa khi nói rằng, nhiều nhà sản xuất phim hài Tết đè ngửa phim ra để đặt quảng cáo vào nội dung. Quảng cáo kiểu ép uổng vô duyên này dĩ nhiên khiến khán giả khó chịu. Một đạo diễn trong giới làm phim ở Hà Nội ví von những quảng cáo như vậy “cưỡng bức phim”, nên ra đời những sản phẩm quái thai, dị dạng là điều dễ hiểu.

Ở VCD Tiến Tùng… túng tiền  để quảng cáo cho một loại thuốc “bổ thận, tráng dương”, tình huống tiếp theo thế này: Có cô ả mở công ty mê hai “ca sĩ” hát rong nên đưa name card cho họ. Hai chàng tìm đến văn phòng, trước lời đề nghị làm việc mức lương hậu lĩnh, hai chàng hội ý, một người tỏ vẻ lo ngại không đủ “sức” để phục vụ hai nàng, người kia liền rút trong túi ra thuốc “bổ thận, tráng dương” và tuôn một tràng quảng cáo về loại thuốc này(!)… Trang web của Hoguom Audio (bà đỡ cho đĩa hài trên) giới thiệu về VCD hài này là “nỗi khắc khoải nhức nhối của tác giả Bình Trọng khi nhìn thấy những phận người từ quê ra thành phố kiếm sống với vô vàn những khó khăn, tủi hờn”. Không biết “khắc khoải, nhức nhối” hay “khó khăn, tủi hờn” đến mức nào khi mấy anh nhà quê lận sẵn quần “bổ thận tráng dương” để “chiều” các quý cô như vậy?

Không cần bán đĩa đã lãi

Theo thông tin trên web của Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long, một trong những quyền lợi của nhà tài trợ vàng duy nhất là 4 spot (30 giây) quảng cáo trong chương trình và 8 pop-up (thông tin dưới chân màn hình) 10 giây, 4 lần (10 giây) logo bật góc. Giá trị mà nhà tài trợ vàng đóng góp là 400 triệu đồng. Nhà tài trợ bạc gồm tối đa 2 người, cũng được những quyền lợi gần như nhà tài trợ vàng nhưng số lượng quảng cáo giảm hơn (2 spot 30 giây trong chương trình, 4 pop-up…) với giá trị tài trợ 200 triệu đồng. Các đồng tài trợ (4 nhà tài trợ) cũng được quyền một spot quảng cáo, 2 lần pop-up và giá trị đồng tài trợ: 100 triệu đồng/người… Như vậy, chỉ tính sơ sơ giá trị tài trợ, nhà sản xuất một VCD hài 60 phút thu được khoảng 1 tỷ đồng. Với số tiền này, dân trong nghề nhận định, thừa sức để nhà sản xuất bày biện quay ở các vùng quê Hà Nội hay thuê “sao hài” phía Nam, kể cả xuất ngoại để... quay không xin phép chính quyền sở tại. Chưa kể, với 100.000 đĩa phát  hành, giả định bán với giá 20.000 đồng/đĩa thì nhà sản xuất cũng thu được số tiền tương đương với nguồn thu từ quảng cáo.

Vậy nên nhà sản xuất chẳng phải “đau đầu muôn thuở” như nhiều người lo ngại trước nạn in lậu. Cũng không phải bù lỗ, hòa vốn hay coi như làm đĩa hài chi phí quảng cáo hàng năm của nhà sản xuất để “PR” thương hiệu của mình, mà chính xác là có lãi nếu thu hút được quảng cáo như kế hoạch của Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long đề ra. Có khi nhà sản xuất còn… cám ơn đĩa lậu, vì cũng trên trang web khi “chào hàng” hay kêu gọi tài trợ cho các sản phẩm, các công ty không quên nhắc đến số lượng phát hành không chính thức của sản phẩm, để “câu” quảng cáo.

Chỉ có khán giả bỏ tiền mua đĩa phải ngốn 10 spot quảng cáo với tổng thời lượng 5 phút và nhiều khi đĩa hài bị băm nát bởi quảng cáo, chưa kể quảng cáo liên tục chạy lên xuống ngang ngửa trên màn hình. Nhưng cũng không bực mình bằng việc xem những tiểu phẩm hài mà theo kiểu “lẩu thập cẩm” như nói ở trên.

Nhiều người vẫn mua đĩa về cả nhà cùng xem. Vì không xem đấy thì biết xem gì, khi hài Tết trên tivi vẫn còn là “của hiếm”.  

                                                                               Theo Báo SKĐS          

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục