Âm sắc núi rừng. Ảnh Quốc Dũng (TTV)

Âm sắc núi rừng. Ảnh Quốc Dũng (TTV)

(HBĐT)- Là người con của đất Mường, từ khi sinh ra đã thấy niềm tự hào trong đó. Có lẽ bởi vậy mà những thi sĩ của đất Mường dù thả hồn theo mây, gió, theo dòng chảy của thời gian cũng không quên nhớ về nguồn cội. Bản sắc khó phôi pha ấy đã tạo nên chất liệu cho thơ với ngàn vạn lời hay, ý đẹp tồn tại mãi với thời gian.

 

Nhà sàn - nét văn hoá đặc trưng của người Mường đã đi vào thi ca đẹp như huyền thoại, xa đấy những cũng thật gần gũi thân quen. Nhà sàn được làm bằng: “Những thân rừng dựng cao chiều núi/ Những nứa, tre lóng mốt, lóng đôi” và “tàu cọ, phên tranh đan mưa, đan nắng”... (Nhà sàn - Lò Cao Nhum). Trong nếp nhà sàn ấy là bếp lửa bập bùng ngày đêm, là tiếng đùa vui của con trẻ, là lời răn dạy của người già. Nhà sàn có gian trong, gian ngoài và mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình được sắp xếp theo thứ tự: “Đàn ông voóng ngoài/ Đàn bà voóng trong/ Con trai xếp bằng/ Con gái xếp mái...” Lời thơ mộc mạc, dung dị nhưng đã miêu tả được những nét đặc trưng trong sinh hoạt của người Mường bên nếp nhà sàn truyền thống.

 

Đất Mường hiếu khách nhưng không ai đón khách quá vồ vập, vồn vã mà chỉ thể hiện bằng những ánh mắt, cử chỉ, nhẹ nhàng. Để khách Mường trên, Mường dưới không nỡ “hiểu nhầm” thiện ý chủ nhà, thi sĩ  Bùi Minh Chức, người con của đất  Mường đã mượn lời thiếu nữ đưa vào thơ đôi lời nhắn gửi: “Đến  đất Mường em/ Cũng thành hào hoa/ Mường em có bến nước/ Gột sạch hết bụi đường/ Mường em có khung dệt/ Làm lành mọi tả tơi” (Khách Mường). Lời mời gọi thật ngọt ngào, sâu lắng mang theo cả khung trời hứa hẹn, nhưng vẫn không quên kèm theo lời nhắc nhở: Khi làm khách Mường em anh ơi/ Đừng có rửa chân phía trên bến nước/ Đừng quay lưng vào bóng núi/ Khi uống ngụm nước suối/ Phải hiểu lòng trắng trong/ Khi ngồi hát với em/ Phải ngồi xa một sải... bởi vì... Khi làm khách Mường em anh ơi/ Thì anh làm khách cả Mường em đấy”. “Lời thơ nhẹ nhàng, tươi vui nhưng vẫn thể hiện nét đằm thắm, nết na, thùy mị của người thiếu nữ. Cả bài thơ muốn nói lên lời nhắn gửi của người thiếu nữ rằng: đất Mường em có tinh thần cộng đồng sâu sắc và cả cộng đồng người ấy trong đó có “em” luôn tự hào với những phong tục đẹp đã làm nên tên đất, tên Mường. Bởi đó là nét văn hóa riêng cần được trân trọng.

 

Trong giao tiếp hàng ngày, người Mường vẫn hay dùng lối nói ẩn dụ, gần xa nhưng đôi khi cũng hết sức chân thành, mộc mạc: “ Trâu ra đồng ăn cỏ/ Người đến nhà ăn cơm/ Lý lẽ thật giản đơn/ Lời mời thật mộc mạc/ Chân đã leo thang gác/ Đừng vội bước quay lui...” Mộc mạc đấy, đơn giản đấy nhưng luôn sâu nặng nghĩa tình. Đọc câu thơ dù người quen hay lạ có thiện chí hay không cũng hiểu được tấm chân tình của người dân đất Mường: Lời quê Mường mộc mạc/ Lòng người Mường ấm áp/ Tình đất Mường chân thành... (Lời quê - Bùi Văn Duôi). Bằng sự cảm nhận tinh tế của mình về những dư âm của cuộc sống, tác giả đã bộc lộ hết tình đất, tình Mường trong từng câu thơ chắc, gọn.   

 

Cũng bàn về phong tục, tập quán, cách ứng xử của người Mường, nhà thơ Đinh Đăng Lượng phác họa lên bức chân dung của người cao tuổi: Luôn nhìn xa, trông rộng, trăn trở với việc nuôi dạy cháu con  sống sao cho hợp đạo lý: “... Người có tuổi biết ngó lui, nhìn tới/ Nuốt trăm lời giận để nói một lời thương/ Nhắc cháu con: ăn xem nồi, ngồi xem hướng/Lội qua con suối lo người mường dưới nước chẳng còn trong...”

 

Có nhiều cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng những lời hay, ý đẹp, những tứ thơ ngọt ngào, đằm thắm, những thi sỹ của đất Mường đã lưu lại nét văn hóa ứng xử, những phong tục đẹp để truyền tới muôn đời sau.

                                

 

                                                                                      Lam Nguyệt

 

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục