Nữ thanh niên dân tộc Thái ở Yên Bái trình diễn múa truyền thống tại Festival.

Nữ thanh niên dân tộc Thái ở Yên Bái trình diễn múa truyền thống tại Festival.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường cùng với sự du nhập của văn hóa ngoại lai, nhận thức sai lệch của một bộ phận giới trẻ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc đang bị mai một dần, thậm chí có nguy cơ biến mất...

 

Tiếng chiêng đang mất dần theo năm tháng

Hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước” - một trong những hoạt động chính của Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam kỷ niệm Ngày Văn hóa Việt Nam 19/4 và hưởng ứng Năm thanh niên 2011 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bộ VH, TT&DL - Ủy ban Dân tộc - Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc và 100 đại biểu thanh niên các dân tộc trong tổng số 300 đại biểu được lựa chọn ở khắp mọi miền đất nước.

Tại hội thảo, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là thực trạng bản sắc văn hóa của nhiều DTTS đang có nguy cơ mai một, biến mất do nhiều yếu tố tác động như ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, một số giá trị văn hóa truyền thống chưa phù hợp với cuộc sống hiện đại như tiếng nói, trang phục, nhận thức và cảm nhận cũng như cơ hội tiếp cận với các loại hình nghệ thuật dân gian như các bài dân ca, làn điệu then, múa, đánh cồng chiêng... ở thế hệ trẻ còn hạn chế.

 Đại biểu H Nguốp Niê, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Búk, Đăk Lăk cho biết: “Đồng bào dân tộc Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung luôn tự hào với không gian văn hóa cồng chiêng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, một thực tế hiện nay làm mọi người lo lắng là hồn thiêng của tiếng chiêng đang dần mất đi theo năm tháng. Trên địa bàn huyện Krông Búk hiện chỉ còn lại 26 dàn cồng chiêng. Cộng đồng người Êđê D’ham huyện Krông Búk còn nhiều người không thể phân biệt đâu là bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi lúa mới, lễ xuống giống và đâu là bài chiêng trong lễ cúng tổ tiên ông bà, lễ mừng nhà mới, lễ cúng bến nước...”.

Ở các dân tộc thiểu số khác, nhiều người trẻ tuổi không còn biết dệt thổ cẩm, đan lát hoặc sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Một số dân tộc thiểu số có nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá tộc người như các dân tộc Bố Y, Si La, Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu... Thậm chí có những vùng dân tộc Mông, một số dân tộc Tây Nguyên diễn ra tình trạng di cư, chối bỏ văn hoá truyền thống, du nhập văn hoá ngoại lai.

Tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt

Trong buổi gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu ưu tú tại Văn phòng Quốc hội sáng 17/4, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương, đồng tình với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bày tỏ cảm thông với những khó khăn của thanh niên các DTTS và nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của tôi và của chính các bạn thanh niên. Muốn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì trước nhất phải phát huy sức trẻ, góp phần vào công tác nâng cao mức sống, chăm lo sức khỏe, văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc”.

Tại đêm hội giao lưu văn hóa nghệ thuật các dân tộc với chủ đề “Sắc màu tuổi trẻ - Sắc màu đoàn kết” 17/4, Ban tổ chức đã trao 54 suất học bổng Vừ A Dính cho 54 thanh niên ưu tú người dân tộc có thành tích xuất sắc. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng quyết định tặng Bằng khen cho 36 tập thể có thành tích xuất sắc đóng góp cho  thành công của festival cũng như sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.   
 
 
                                                                             Theo Báo SKĐS
 
 

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục