Học sinh vẫn tiếp tục đến trường dưới bom đạn - Ảnh Wilfred Burchett chụp năm 1966

Học sinh vẫn tiếp tục đến trường dưới bom đạn - Ảnh Wilfred Burchett chụp năm 1966

100 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam của cố nhà báo Wilfred Burchett đã được giới thiệu trong triển lãm Wilfred Burchett và Việt Nam, khai mạc sáng 14.9 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà báo Wilfred Burchett (16.9.1911) - người bạn lớn, luôn ủng hộ, đóng góp cho cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam. Các bức ảnh được trưng bày với ba phần chính, gắn liền với các cuốn sách Wilfred Burchett đã viết: Phía bắc vĩ tuyến 17 gồm những bức ảnh về chiến khu Việt Bắc, Điện Biên Phủ, cuộc sống thường nhật và lao động sản sản xuất của nhân dân miền Bắc những năm 1954-1956; Chiến tranh du kích, Câu chuyện từ chiến khu ghi lại hình ảnh cuộc sống và chiến đấu của quân, dân trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1963-1964 và Bắc Việt Nam là những hình ảnh toàn cảnh miền Bắc trong năm 1966.

Mới được phát hiện

Những bức ảnh trong phần một thuộc thời kỳ 1954 - 1956 có nhiều liên hệ với cuốn sách đầu tiên Wilfred Burchett viết về Việt Nam, về miền Bắc Việt Nam sau khi giành độc lập từ Pháp, có nhan đề Phía bắc vĩ tuyến 17, xuất bản năm 1955. Cũng năm này, con trai ông - họa sĩ George Burchett - đã chào đời tại Hà Nội.

“Năm ngoái tôi mới phát hiện ra những âm bản gốc của cha thời kỳ đó. Đột nhiên, tôi thấy hai năm đầu đời của chính mình bỗng hiện về trên những gương mặt trong các bức ảnh. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết đến những tư liệu này. Với tôi, đó giống như cuộc viễn du cả về thời gian và không gian” - George Burchett hồi tưởng.

Trong số các bức ảnh thời kỳ này, có bức được ghi lại trong khoảng thời gian đánh dấu lần gặp gỡ đầu tiên và bắt đầu tình bạn khăng khít giữa nhà báo Wilfred Burchett và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vào tháng 3.1954 tại chiến khu Việt Bắc trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuốn sách Phía bắc vĩ tuyến 17, Wilfred Burchett dành nhiều trang viết về ấn tượng lần đầu tiên gặp Bác Hồ. Hình ảnh ông không thể quên là Bác với chiếc mũ cối. Wilfred Burchett viết: “Sau những câu chuyện khá thoải mái ban đầu, chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch tại sao các đài phát thanh lại đang rùm beng đến thế về Điện Biên Phủ. Thực ra là ở đó đang có chuyện gì vậy? “Đây là Điện Biên Phủ”, Hồ Chủ tịch vừa nói vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn. “Đây là núi”, những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của ông đưa vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ, “Chúng ta đang ở đó. Còn dưới này”, ông nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, “là lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được”, ông nhắc lại. Đó là trận Điện Biên Phủ trong một chiếc mũ cối”.

Sau khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập, bước chân Wilfred Burchett đặt tới khắp mọi nơi, từ các vùng quê cho đến các đô thị, từ ruộng đồng, vào trong các nhà máy…, mang đến cho thế giới câu chuyện, hình ảnh sự hồi sinh sau chiến tranh.

Từ trong lòng cuộc chiến

Wilfred Burchett là nhà báo phương Tây đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vào những năm 1963-1964. Từ đây, thế giới đã được biết tới cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Năm 1965, ông đã xuất bản cuốn sách Câu chuyện từ trong lòng cuộc chiến tranh du kích.

Tình yêu với nhân dân Việt Nam đã được ông nhấn mạnh trong bức thư gửi cho con trai và con gái vào ngày 3.1.1964, trong đó có đoạn: “Cha rất tự hào là người bạn ngoại quốc đầu tiên đến thăm các bạn đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của họ, quê hương và gia đình của họ ở miền Nam Việt Nam. Đây là một công việc vinh quang. Khi lớn lên, các con cũng sẽ thấy tự hào về việc này. Nhưng để tự hào về cha, có nghĩa là các con cũng phải dũng cảm và kiên nhẫn, đừng lúc nào cũng nhắc cha phải nhanh về nhà nhé”.

Năm 1966, cuốn sách Bắc Việt Nam của Wilfred Burchett được xuất bản. Những câu chuyện, hình ảnh, trong đó phản ánh thời kỳ miền Bắc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bằng ngòi bút của mình và qua những khuôn hình, Wilfred Burchett cho thế giới thấy tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu, quyết giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

 

                                                               Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục