Văn hóa ẩm thực Việt Nam gói gọn trong hai chữ "biết ăn", ẩn chứa trong đó tính nghệ thuật và vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử. Vì thế nên mới phải "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", bởi qua cách ăn mà đoán biết được từ tính nết đến cốt cách, trình độ học vấn của người ăn.

Nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam bắt nguồn từ chính dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước. Dù có hội hè, đình đám hay tiệc tùng gì thì trong thực đơn của người Việt cũng không thể thiếu hạt cơm - cây lúa. Tục ngữ xưa có câu: "Người sống về gạo, cá bạo về nước"; "Cơm tẻ mẹ ruột"; hay "Ðói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường". Chính văn hóa nông nghiệp đã chi phối cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật của người Việt Nam. Bữa cơm người Việt có thể thiếu thịt, cá nhưng không thể thiếu rau, quả bởi: "Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống"; "Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ"...

Mâm cơm của người Việt Nam nếu chỉ có một món thì khó gọi là mâm cơm, và chỉ một người ngồi ăn thì cũng khó cảm nhận hết cái ngon của từng món. Chính tính tổng hợp và tính cộng đồng này đã trở thành vẻ đẹp độc đáo nhất trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nếu như người phương Tây thưởng thức theo kiểu phân tích, ăn hết món này rồi mới dọn ra món khác thì mâm cơm của người Việt Nam bao giờ cũng phóng khoáng với tất cả các món được dọn lên cùng một lúc: nào cơm, nào rau, nào thịt, nào cá, thêm bát nước chấm con con,... Có thể nói, mỗi món ăn của người Việt Nam đã hội tụ đủ phương thức tổng hợp khi chế biến: hết luộc lại xào, lại ninh, tần, hấp..., sao cho hài hòa các yếu tố nóng - lạnh, âm - dương. Người cảm lạnh thì phải ăn cháo gừng, người cảm nắng thì phải ăn cháo hành. Dân gian ta lưu truyền không ít những câu ca dao nói về cách tổng hợp nguyên liệu khi nấu nướng của người Việt: "Bồng bồng nấu với tép khô. Dầu chết xuống mồ cũng dậy mà ăn"; "Rau cải nấu với cá rô. Gừng thơm một lát cho cô lấy chồng"; hay "Rủ nhau xuống bể mò cua. Ðem về nấu quả mơ chua trên rừng". Ngồi trước mâm cơm, người Việt có thể chọn đồng thời các món ăn theo sở thích để thưởng thức, các giác quan cũng được cùng một lúc cảm nhận món ăn: mũi có thể ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt, mắt có thể nhìn thấy mầu sắc tươi rói, lưỡi có thể nếm được những hương vị đặc trưng. Chính vì thế, suốt bữa ăn là cả một quá trình tổng hợp, mỗi bát cơm, mỗi miếng cơm là thành quả của quá trình tổng hợp đó.

Dù có đi gần, đi xa, người ta cũng vẫn cố gắng thu xếp trở về nhà để xum tụ cùng gia đình bên mâm cơm tối. Dù đi muộn, về trễ, những người trong nhà cũng vẫn chờ đợi để đủ mặt thành viên mới dùng cơm. Bất cứ buổi tiệc tùng, họp mặt nào cũng không thể diễn ra mà chỉ có một người. Ðó là bởi trong văn hóa ẩm thực, người Việt Nam ta luôn coi trọng tính cộng đồng. Nếu người phương Tây mỗi người dùng riêng một đĩa, một suất ở nơi nào tiện là xong bữa thì người Việt Nam phải quây quần, quanh mâm cơm mới ăn ngon miệng. Với người Việt, thời điểm ăn là để mọi người cùng thực hiện văn hóa giao tiếp, cùng gặp mặt, trò chuyện, nắm bắt thông tin về cuộc sống của nhau. Và không gian ăn chính là nơi để gắn kết chặt chẽ những mối quan hệ giữa người với người trong gia đình, ngoài xã hội. Vì thế, các món ăn trên mâm có thể người ăn, người không tùy theo sở thích, nhưng nồi cơm và bát nước chấm thì là món ăn cộng đồng mà những người ngồi quanh mâm ai cũng dùng. Và đôi đũa - vật dụng độc đáo không thể thiếu trong lúc ăn của người Việt Nam chính là phương tiện linh hoạt nhất để nối dài cánh tay, giúp người quanh mâm dù ngồi xa, ngồi vướng đến mấy cũng vẫn gắp chung được thức ăn trên mâm cùng mọi người khác.

Nói về văn hóa ẩm thực Việt Nam, Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã khái quát lại thành chín đặc trưng: tính hòa đồng, đa dạng; tính ít mỡ; đậm đà hương vị; tổng hòa nhiều chất, nhiều vị; tính ngon và lành; tính dùng đũa; tính tập thể; hiếu khách và dọn thành mâm. Ðược hình thành và trải dài cùng lịch sử dựng nước, giữ nước từ nghìn xưa đến nay, những nét đẹp ấy trong văn hóa ẩm thực Việt Nam xứng đáng là một phần hồn cốt dân tộc cần được lưu giữ và phát huy mãi mãi.

 

                                                                                 Theo Dantri

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục