Trong bối cảnh những biểu hiện vi phạm bản quyền càng lúc càng trở nên nhức nhối ở nước ta, vấn đề giáo dục để nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng bản quyền trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước đòi hỏi mang tính cấp bách đó, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp NXB Phương Ðông cho ra mắt bộ truyện tranh dành cho trẻ em mang tên: Truyện tranh Bản quyền.

 

Từ lúc ý tưởng được hình thành, nhóm thực hiện dự án thuộc Cục Bản quyền tác giả đã nhanh chóng lên nội dung bản thảo trình xét duyệt từ đầu năm 2010, sau đó gấp rút triển khai để Truyện tranh Bản quyền chính thức xuất bản tháng 9-2011. Bộ truyện gồm năm tập, mỗi tập 32 trang hướng đến những mảng nội dung khác nhau trong phạm vi Luật Bản quyền. Nếu tập truyện đầu tiên đề cập đến quyền tác giả và các quyền liên quan như: thời gian bảo hộ quyền tác giả, đăng ký quyền tác giả... thì tập truyện thứ hai tập trung thể hiện các quyền của người biểu diễn. Trong khi tập truyện thứ ba phản ánh các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, tập truyện thứ tư làm rõ quyền của tổ chức phát sóng, thì tập truyện thứ năm bàn đến vấn đề bản quyền trong môi trường kỹ thuật số. Những nội dung có vẻ khó hiểu, mang tính đao to búa lớn khi được "mềm hóa" bằng những câu chuyện bình dị, gần gũi của thế giới trẻ thơ bỗng trở nên sinh động và dễ tiếp nhận hơn nhiều. Chuyện vi phạm quyền tác giả được cụ thể thành việc chép văn mẫu; chuyện các tác giả được trả tiền khi có tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm được cụ thể hóa bằng câu chuyện các bạn nhỏ đi tìm ước mơ cho tương lai, chuyện cop-py không xin phép được cụ thể bằng việc xem băng đĩa lậu, hay chép trộm bài bạn... Tất cả được kết dính một cách nhuần nhuyễn dưới lăng kính trẻ thơ trong không gian quen thuộc của một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trường, một buổi liên hoan giữa những người bạn, hay đơn giản chỉ là buổi tranh luận về những dự định sẽ thực hiện trong kỳ nghỉ hè tới...

Những kiến thức cơ bản về bản quyền được lồng gắn nhẹ nhàng vào những đoạn hội thoại hỏi/đáp tự nhiên, sống động giữa các nhân vật chính: Chì tẩy, Bút lông, Aten, Latop giúp nhân lên nhiều lần độ hào hứng của các em nhỏ. Mỗi nhân vật được xây dựng với một tính cách khác nhau nhưng đều tựu chung ở sở thích yêu nghệ thuật và ước mơ trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng. Nói đến sức hấp dẫn của bộ truyện, không thể bỏ qua những đóng góp to lớn của phần minh họa do hai họa sĩ Huyền Linh, Thiện Minh đảm nhận. Chưa cần đọc nội dung, chỉ cần lật giở những trang đầu, người xem đã có cảm giác được lạc vào một thế giới tràn đầy sắc màu tươi mới, sống động. Ở đó, các nhân vật chính được hóa thân dưới hình hài ngộ nghĩnh của những vật dụng rất đỗi quen thuộc với trẻ thơ như bút chì, bút lông, ăng-ten bắt sóng, điện thoại,... Ðáng chú ý, chuyên viên gỡ rối các vấn đề về Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền đã được khắc họa gần gũi, dí dỏm qua chân dung dân gian: chú Tễu. Ðối tượng mục tiêu cần hướng đến của bộ truyện là những bạn nhỏ thuộc khối tiểu học và trung học cơ sở. Do đó, việc lựa chọn những nhân vật, hình ảnh vốn dĩ đã gắn bó với thế giới tuổi thơ góp phần tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho các em khi đón nhận những thông điệp từ tác phẩm. Chị Nguyễn Hằng Nga, Trưởng phòng thông tin quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả, người trực tiếp viết lời cho bộ truyện chia sẻ: Ðể hoàn thành bộ truyện, nhóm thực hiện dự án đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với các bậc phụ huynh để nắm bắt tốt hơn tâm lý, cách tiếp cận vấn đề và khả năng tiếp nhận của các em nhỏ. Ðồng thời, nhóm cũng trực tiếp trò chuyện, giao lưu với các em để hiểu hơn về ngôn ngữ giao tiếp, cách trao đổi hằng ngày của các em cũng như những vấn đề chung mà các em nhỏ quan tâm,...

Trong buổi họp báo công bố về những sự kiện bản quyền nổi bật diễn ra vừa qua, việc xuất bản bộ truyện tranh bản quyền đã được Cục Bản quyền tác giả đánh giá là một trong mười vấn đề, sự kiện về bản quyền tiêu biểu nhất năm 2011. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan cho biết: Sự ra đời của bộ truyện bản quyền nằm trong kế hoạch thực hiện chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ nhằm "Tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống trường học các cấp". Theo đó, bộ truyện tranh bản quyền sẽ được phát miễn phí cho những học sinh từ lớp ba trở lên và được phân phối theo các kênh: qua thư viện các tỉnh, qua thư viện các sở, thư viện các trường học, bảo đảm đến tận tay số đông học sinh cấp một, cấp hai cả nước.

Việc chuyển tải những nội dung khá phức tạp và có phần khô cứng trong Luật Bản quyền vào một bộ truyện tranh không phải vấn đề đơn giản. Vì thế, bên cạnh những điểm mạnh, bộ truyện đôi chỗ vẫn mắc phải lỗi diễn đạt hơi khiên cưỡng. Song dẫu sao, sự xuất hiện lần đầu của một bộ truyện tranh về bản quyền vẫn là những nỗ lực đáng ghi nhận trên hành trình từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm của người dân Việt Nam trong việc thực thi Luật Bản quyền.

 
                                         Theo Nhan Dan
 
 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục