Giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương một lần nữa làm dậy sóng dư luận khi giải thưởng này tiếp tục bị phản ứng trong cuộc họp báo cuối năm của UBND tỉnh Nghệ An.

Hai bức tranh 980 năm danh xưng Nghệ An và Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (giải khuyến khích giải VHNT Hồ Xuân Hương) của Hoàng Minh Phương

Hai bức tranh sơn dầu Chợ chiều (trên và Nắng cuối chiều (giải C giải VHNT Hồ Xuân Hương) của Trần Hoàng Trung

Trước các ý kiến bức xúc về sự thiếu trách nhiệm và thiếu khách quan của ban giám khảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nói trong cuộc họp báo ngày 13-1: “Giải thưởng kéo dài trong tám tháng (từ tháng 4 đến tháng 12-2011 - PV) là quá lâu, tỉnh phải khép lại để làm việc khác. Mặc dù giải thưởng đã trao nhưng vẫn có người kiện, có nhiều ý kiến bất bình. Vì thế, nếu phát hiện tác phẩm gian lận thì UBND tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi”.

Nhắm mắt và mở mắt, ảnh cũ thành ảnh mới?

Ngoài những tấm ảnh giống nhau của ông Sĩ Minh và ông Trần Duy Ngoãn (“Nghệ sĩ nhiếp ảnh ta thán”, Tuổi Trẻ 4-1), chúng tôi phát hiện thêm tác phẩm dự thi của ông Nguyễn Đăng Việt cũng... có vấn đề. Ông Việt dùng một tấm ảnh dự ba cuộc thi trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến nay mà chỉ cần thêm một từ trong chú thích ảnh.

Đó là tấm ảnh Hẻm phố không giờ mô tả hình ảnh một nữ nhân công trẻ đang đẩy xe rác trong đêm mưa. Tấm ảnh này đã được trưng bày tại Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh bắc miền Trung ở Quảng Trị năm 1997. Sau đó, liên hoan này tổ chức tại Nghệ An năm 2006, tấm ảnh trên được giải khuyến khích. Ông Việt tiếp tục đem ảnh này dự thi giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương 2005-2010 với chú thích bức ảnh có thêm một từ “lúc”: Hẻm phố lúc không giờ. Trong khi đó, với chu kỳ năm năm xét thưởng một lần, giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần 4 quy định tác phẩm sáng tác trong năm năm từ 2005-2010.

Tấm ảnh bị một số nghệ sĩ nhiếp ảnh kiện buộc tổ thanh tra của Sở VH-TT&DL phải mang ra Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN thẩm định. Ban thẩm định kết luận: “Hẻm phố không giờ của tác giả Nguyễn Đăng Việt được triển lãm tại Liên hoan ảnh bắc miền Trung năm 1997 so với bức ảnh Hẻm phố lúc không giờ dự giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ tư giống nhau về bố cục, thời điểm chụp, đối tượng chụp. Tuy nhiên khác nhau ở chỗ: bức ảnh Hẻm phố không giờ nhân vật trong ảnh nhắm mắt và bức ảnh Hẻm phố lúc không giờ nhân vật trong ảnh mở mắt”.

Theo đó, tổ trưởng tổ thanh tra Phạm Tiến Dũng ký công văn trả lời: “Tác phẩm Hẻm phố lúc không giờ của tác giả Nguyễn Đăng Việt vi phạm thể lệ giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ tư”. Thế nhưng, sau đó ông Việt giải trình và ban chung khảo xếp giải B (15 triệu đồng).

Những ảo thuật trên cùng một bức tranh

Vụ kiện thứ hai tập trung vào hai bức tranh cổ động của tác giả Hoàng Minh Phương: bức 980 năm danh xưng Nghệ An đã tham gia triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Nghệ An năm 2009 và bức Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội dự giải Hồ Xuân Hương lần 4. Hai bức tranh chỉ khác nhau ở logo của tỉnh Nghệ An trong hình búp sen và logo của thủ đô Hà Nội trong hình Khuê Văn các đã bị các họa sĩ kiện vì cùng phản ánh một đề tài và giống nhau đến 95%.

Vụ kiện này cũng được tổ trưởng tổ thanh tra Phạm Tiến Dũng gửi Hội Mỹ thuật VN thẩm định. Ban kiểm tra Hội Mỹ thuật VN kết luận: “Nếu đây là tranh của một tác giả thì thể hiện sự lao động lười biếng, thiếu nghiêm túc”. Nhưng ban chung khảo giải thưởng Hồ Xuân Hương không loại mà hạ từ giải C xuống giải khuyến khích.

Cũng liên quan tới tác giả Hoàng Minh Phương, bức tranh 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mang tên ông đã in trong Tuyển tập tranh cổ động Nghệ An (Trung tâm Văn hóa Nghệ An và NXB Nghệ An - 2010) lại biến thành tranh của tác giả Hoàng Hải Thọ khi ông Thọ đem tranh này dự giải thưởng Hồ Xuân Hương.

Ông Thọ là cha ông Phương. Khi bị các họa sĩ kiện, ông Phương tuy đã nhận nhuận bút nhưng vẫn làm đơn gửi Trung tâm Văn hóa Nghệ An đề nghị “xin đính chính lại tên tác giả bức tranh này là của Hoàng Hải Thọ”. Vì vậy, ông Thọ vẫn đoạt giải A (20 triệu đồng).

Nằm trong danh sách bị khiếu kiện còn có hai tác phẩm tranh sơn dầu Chợ chiều của tác giả Trần Hoàng Trung in trong tập sách Mỹ thuật Nghệ An thế kỷ XX (NXB Nghệ An - 2001) và Nắng cuối chiều dự giải Hồ Xuân Hương vì cùng chung đề tài và giống nhau đến 80% về bố cục, chỉ khác màu sơn dầu bức sau tươi hơn bức trước.

Sau khi thẩm định, ban kiểm tra Hội Mỹ thuật VN kết luận: “Hai tác phẩm có chung một đề tài và bố cục nhưng khác nhau về kích thước, thời gian, không gian và bút pháp”. Theo đó, ông Trung đoạt giải C (10 triệu đồng).

Dư luận cho rằng các thành viên chung khảo (gồm 14 thành viên thuộc Sở VH-TT&DL, Sở Thông tin - truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Hội VHNT Nghệ An) không có đủ khả năng thẩm định chuẩn xác cho tác phẩm của tám bộ môn khác nhau. Vì thế các văn nghệ sĩ đã gửi 40 đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng và phản ảnh trong một số bài báo nên UBND tỉnh Nghệ An phải họp đi họp lại nhiều lần và hoãn thời gian trao giải đến ba tháng (từ 2-9 đến 31-12).

Nhưng với rất nhiều chuyện vẫn chưa khiến dư luận thỏa mãn như thế, việc thu hồi tác phẩm gian lận như phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường là một động thái cần thiết để giải thưởng mang tên nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương còn được coi là giải thưởng... thật.

Sai từ quy chế giải thưởng

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, quyết định đầu tiên (3908) về giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của UBND tỉnh Nghệ An quy định “để đảm bảo tính khách quan, các thành viên của các ban sơ khảo, hội đồng chung khảo không tham gia dự giải” nhưng quyết định tiếp theo (6410) lại hủy bỏ quy định này.

Công văn đề xuất hủy bỏ quy định này lại do một ủy viên ban chỉ đạo giải thưởng Hồ Xuân Hương ký, trong khi ban chỉ đạo không có chức năng tham mưu. Đây là nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

 

 

                                                            Theo TuoiTre

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục