Người dân Mộc Châu đang tranh thủ bán đào.

Người dân Mộc Châu đang tranh thủ bán đào.

(HBĐT) - Mấy năm gần đây, vào những ngày cuối năm, từng hàng xe tải, xe con theo quốc lộ 6 lần lượt chở đào về phố. Những cây đào cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm ở Mộc Châu (Sơn La) bị cắt ngang thân đem bán không thương tiếc. Người dân cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang tranh thủ bán “lộc”rừng. Nhiều người bảo rằng chẳng mấy chốc những vườn đào cổ thụ của Mộc Châu sẽ biến mất.

 

Không của ai.

 

Những ngày cuối năm trong cái se lạnh của Tây Bắc, làn mưa phùn nhẹ của tiết sang xuân, chúng tôi ngược con đường 6 lên với cao nguyên Mộc Châu. Cao nguyên này nổi tiếng bởi chè, sữa, giờ đây là những cành đào mốc mà những dịp giáp Tết, giới chơi đào thường săn những cành đào mốc. Giờ này, Mộc Châu như khoác trên mình một tấm áo hoa sặc sỡ bởi những rừng đào phai đang độ khoe sắc. Rừng đào phai ngút ngàn tạo cho cao nguyên Mộc Châu vẻ đẹp nguyên sơ, khó nơi nào có được. Người dân Mộc Châu đang “đua” nhau cưa đào rừng mang bán. Dọc tuyến đường 6 chạy qua Mộc Châu, cảnh mua bán tấp nập. Mặc dù đang là thời gian ăn Tết nhưng những chàng trai Mông vẫn tranh thủ chặt đào rừng mang xuống thị trấn bán.

 

Đi quanh thị trấn, chúng tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng máy cưa xả bớt cành, tiếng người mời mua đào, tiếng ô tô ngược xuôi, cả cao nguyên Mộc Châu nhộn nhịp như phiên chợ Tết cuối năm. Ven đường, từng hàng đào rừng được ken dày. Năm nay đào rừng bán được giá nên nhiều người tranh thủ khai thác đào kiếm lời. Nếu như năm ngoái, một cành đào nhỏ chỉ bán được đôi ba chục nghìn, năm nay tăng lên gấp 3-4 lần. Anh Páo ở xã Loóng Luông từ sáng tới trưa đã bán được 5 cành. Mỗi cành bán được 200.000 đồng thế là Páo đã có tròn triệu bỏ túi. Páo so sánh: “ Làm nương cả vụ vẫn không đủ ăn. Giờ chở mấy cành đào đã có cả triệu bạc.”. Theo anh Páo, đào rừng có 2 loại: đào mốc giống đào của người Mông, nụ ít nhưng mập, hoa nở có màu hồng nhạt. Đào mốc thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối nên thân, cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có một lớp rêu phủ. Loại đào này khó kiếm nhưng luôn được giá. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng... Đào rừng dáng khoẻ, thế tự nhiên lại chịu được va đập nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Dọc đường 6 chạy qua cao nguyên Mộc Châu, chỗ nào cũng tấp nập cảnh mua bán đào. Người dân ở các xã xa xôi như Chiềng Khừa, Loóng Sập... cũng dùng xe máy chở đào ra đường bán. Chẳng thế mà lượng xe ô tô ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng “ăn” hàng ầm ầm mà vẫn chưa tiêu thụ hết. Đào được chất lên xe là người bán có tiền. Do vậy, ngay cả những đứa trẻ cũng mang đào ra bày cạnh đường bán.

 

Buôn một, bán mười.

 

Mấy năm gần đây, đặc biệt là năm nay, các vùng đào ở miền xuôi bị mất mùa thì đào rừng Mộc Châu trở thành “hàng” hiếm. Ngay từ đầu tháng chạp, các lái buôn ở khắp nơi đã đánh xe về Mộc Châu mua đào.Việc đưa đào rừng về phố ngày càng chuyên nghiệp hơn. Những thợ buôn đào tìm sản phẩm trước rồi tập kết tại một điểm. Gần Tết cánh thương lái ở dưới xuôi đánh xe tải lên chở. Đào rừng tán rộng nên mỗi xe chở được 15-10 cành là cùng. Đa số đào rừng được chuyển về Hà Nội. Cánh thương lái thường chỉ mua những cây đào rừng có thế đẹp, khi mang về tới Hà Nội có thể lãi gấp 3-4 lần. Với những tay chơi đào sành điệu mà vớ được những cây đào đẹp, vấn đề không phải là giá thành.

 

Anh Sâm - một người buôn đào ở Thanh Hoá đã lên Mộc Châu từ hai tuần nay. Sau mấy năm buôn đào rừng, anh đã thu được một khoản tiền kha khá và anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để vận chuyển đào. Những cành đào phai, đào mốc xù xì được anh dùng dây bó lại rất gọn nhẹ. Anh còn hơ lửa cho gốc đào, rồi dùng nilon buộc lại nhằm giữ nhựa cho đào. Khi nào gom hàng xong sẽ có người đánh xe lên chở về Thanh Hoá. Năm nay, anh dự định chở 2 chuyến xe tải, mỗi chuyến chở được khoảng 130 cành đào. Theo anh Sâm, nếu mọi chuyện chót lọt, Tết này anh có đôi chục triệu đồng bỏ túi.

 

Không chỉ có những đội quân buôn đào chuyên nghiệp, ngay cả cánh lái xe chở hàng lên Tây Bắc, khi qua cao nguyên Mộc Châu cũng chất đào lên thùng xe. Mấy phụ xe đang tất bật giúp ông Sang (chủ của chiếc xe tải chuyên buôn ngô) đưa mấy cành đào rừng lên xe. Mặt ai cũng phấn khởi, tràn trề niềm hy vọng có được một chuyến buôn thành công. Còn người dân bán đào ở Mộc Châu năm nay cũng mừng ra mặt. Dường như đào chặt ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu với giá cao gấp đôi năm ngoái. Theo tính toán của những người buôn đào, một cành đào mua ở Mộc Châu khoảng 200.000 đồng, khi chở về tới Hà Nội giá có thể tăng gấp đôi, thậm chí có những cành đẹp bán được vài triệu đồng.

 

Vì lợi nhuận lớn nên cánh lái xe ở các tỉnh, không quản đường sá xa xôi sẵn sàng ăn trực nằm chờ để chọn được những cành đào đẹp. Theo người dân ở thị trấn Mộc Châu, năm nay, lượng xe tải lên mua đào tăng gấp mười lần so với mọi năm. Theo đó, những vườn đào cổ thụ của Mộc Châu đang bị tận diệt nhanh chóng. 

 

Đào rừng trước nguy cơ biến mất

 

Từng được mệnh danh là xứ sở hoa đào của miền Tây Bắc nhưng giờ đây, ngay với người dân Sơn La, để kiếm được một cành đào đẹp bày trong những ngày tết quả là không đơn giản. Những nơi đào nổi tiếng như Lóng luông, Phiêng Luông, Vân Hồ (Mộc Châu) nay cũng dần vơi cạn hoặc biến mất hẳn như vùng Chiềng Ngần (thành phố Sơn La). Tuy là một loại hàng hóa đặc biệt gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt vào những thời điểm thiêng liêng nhưng cho đến nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào nghĩ tới việc đầu tư phát triển những vườn hoa đào hàng hóa hoặc có một dự án bảo vệ, phát triển nguồn đào hiện có.

 

Nhìn những khách mua đào trên trục quốc lộ 6 địa phận Mộc Châu vui vẻ khi lựa được cành đào đẹp, cẩn thận chằng, buộc vào xe máy, ô tô với hy vọng “góp phần làm những ngày tết của gia đình mình trang trọng hơn, vui tươi hơn để có một năm mới tốt đẹp hơn” lại chợt nghĩ về một ngày nào đó, khi những vườn đào phai, đào mèo hôm nay chỉ còn là trong ký ức hoặc trong câu chuyện kể cho con trẻ những ngày xuân mà thấy nao lòng. Cái ngày ấy cũng sẽ không xa nếu như người dân Sơn La vẫn giữ cách khai thác đào theo kiểu “cây rừng” như hiện nay, nói như cách của ông Bàn Văn Minh, hơn 70 tuổi, nông dân xã Phiêng Luông: " Rồi cây đào cũng vắng như con hổ, con báo thôi…".

                                                                                   

 

 

 

                                                                                         Việt Lâm

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục